MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người trở thành “con nghiện” mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Đức Mạnh

“Đốt” tiền để nâng hạng thành viên cao cấp trên sàn thương mại điện tử

Đức Mạnh LDO | 07/08/2023 15:28

Vì nghĩ việc nâng hạng thành viên trên sàn thương mại điện tử sẽ được nhận thêm ưu đãi, các bạn trẻ đã hình thành thói quen nghiện mua sắm, mất kiểm soát chi tiêu.

Vòng xoáy mua rồi lại nợ

Mua sắm hơn 20 triệu đồng trong vòng 6 tháng, chị Nguyễn Mỹ Linh (Lạng Sơn) đã mau chóng trở thành thành viên hạng kim cương của một sàn thương mại điện tử. Chị tự hào khi chia sẻ mình đã nỗ lực để có thứ hạng này nhằm săn được hàng với nhiều ưu đãi hơn. Tuy nhiên khi nhìn lại những sản phẩm đã mua, có những món đồ chị Linh không hiểu mua vì mục đích gì như đôi dép hình con cá sấu, ghế lười...

"Đôi khi tôi chốt đơn chỉ vì chán chẳng có gì làm, mua sắm để đầu óc thoải mái hơn. Nhất là vào đêm khuya ngồi lướt livestream và các gian hàng, thấy xinh quá liền đặt mà chẳng quan tâm sẽ dùng làm gì hay hợp với mình không. Tôi cũng có nhiều người bạn là thành viên kim cương y như mình" - chị Mỹ Linh cho hay.

Tuy nhiên, sau mỗi lần mua sắm là những lần "cháy" ví vào cuối tháng. Hết tiền lại vay bạn bè, rồi lại mua sắm tiếp rồi lại nợ và trả. Nhiều khi chị Linh muốn "cai" nhưng như một sở thích, việc chốt đơn vào đêm khuya cứ tiếp diễn.

Trao đổi với Lao Động, bà Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - lý giải nhiều nghiên cứu về tâm lý học đều chỉ ra rằng, việc mua sắm, kể cả trực tiếp hay trên các sàn thương mại điện tử đều có tác dụng mang đến sự hạnh phúc trong ngắn hạn và khiến chúng ta vơi bớt đi nỗi buồn. Ngoài ra, việc mua sắm và thanh toán sẽ mang lại cho con người cảm giác về sự tự chủ và cảm giác tăng quyền kiểm soát của bản thân. Đặc biệt khi càng stress, mệt mỏi, con người lại có xu hướng mua sắm nhiều hơn. Dần dần, việc mua sắm làm chúng ta nghiện cảm giác thỏa mãn khi chốt đơn.

Tuy nhiên, câu chuyện hậu mua sắm lại trái ngược, bà Hân tiết lộ: "Theo khảo sát trên tệp khách hàng của chúng tôi, khoảng 60% cảm thấy đã lãng phí tiền bạc vào những món đồ đắt tiền mà họ đã mua trong 12 tháng vừa qua. 50% ước mình đã không chi cho những món đồ này. Vì ngay sau đó họ lại thích một món đồ khác tốt hơn, một phiên bản mới được cập nhật hiện đại hơn...

Hóa ra việc mua sắm này chỉ mang lại cho họ cảm giác thỏa mãn trong vài ngày. Còn cảm giác tiếc nuối, khó chịu vì có thể mua được một món đồ tốt hơn lại kéo dài trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Thế nên kết quả là họ không hạnh phúc như mình nghĩ".

Cách chống nghiện mua sắm

Có rất nhiều cách để tránh rơi vào bẫy của nhà bán hàng, bà Trần Thị Mai Hân gợi ý một vài cách mà bạn có thể tham khảo như sau:

Thứ nhất, bạn cần có một phương pháp quản lý tài chính và kiên nhẫn thực hiện nó. Phương pháp được gợi ý là chia thu nhập làm 3 phần 50/30/20 (nhu cầu thiết yếu/sở thích cá nhân/tiết kiệm).

Thứ hai, bạn cần xây dựng tính kỷ luật. Việc xây dựng này sẽ bắt nguồn từ chính bản thân bạn tiết kiệm cho mục tiêu gì. Nếu không có mục tiêu và động lực cụ thể thì việc tiết kiệm sẽ khá khó để thực hiện. Đừng tiết kiệm vì phải tiết kiệm hay người này người kia nói cần như thế. Như vậy sẽ không bền vững và hiệu quả.

Thứ ba, bạn nên mua sắm vào các dịp khuyến mãi lớn nhưng chỉ lựa theo ngân sách đã có. Ví dụ bạn có kế hoạch mua 1 - 2 chai nước hoa trong năm nay. Khi những dịp khuyến mãi lớn diễn ra, bạn chỉ cần tập trung vào chai nước hoa mình muốn mua. Tránh trường hợp không biết mình muốn mua món đồ gì và cứ thế mua sắm theo cảm tính, gì cũng muốn mua thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến túi tiền.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn