MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự án BOT khiến LienVietPostBank "ngậm quả đắng" bây giờ ra sao?

Triều Vinh – Hồ Phan LDO | 07/01/2020 17:26

Hàng loạt lãnh đạo phía chủ đầu tư bị bắt giam, dự án trễ hẹn suốt nhiều năm và ngân hàng phải rao bán khoản nợ là những gì đang diễn ra với LienVietPostBank khi "dính dáng" tới BOT giao thông.

Tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 2,7km nối đường Võ Văn Kiệt kéo dài vào cao tốc TPHCM - Trung Lương (giai đoạn 1), theo hình thức BOT. Dự án được Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) khởi công xây dựng từ ngày 25.10.2015 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng sau 20 tháng thi công.

Ở dự án này, theo dữ liệu của Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TPHCM - Trung Lương (thuộc Công ty Yên Khánh, được lập ra để thực hiện dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài) dùng toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại dự án làm tài sản bảo đảm khoản cho vay của LienVietPostBank chi nhánh TPHCM theo hợp đồng 002-17/HĐTC-NSG ký ngày 17.1.2017.

Sau hơn 4 năm thi công, theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện nay, nút giao cuối đường Võ Văn Kiệt – Quốc lộ 1 chỉ mới làm được phần cầu dẫn, trong khi đường dẫn lên cầu của các nhánh vẫn còn dang dở. 

Ghi nhận của phóng viên thời điểm đầu năm 2020 cũng cho thấy ở đoạn tuyến chính dài 2,7km qua các khu dân cư, ruộng đồng ở huyện Bình Chánh (TPHCM) hiện nay chỉ mới được thi công ở một số đoạn, trong khi nhiều đoạn còn chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng.

Sau hơn 4 năm thi công, dự án 2,7km đường nối đường Võ Văn Kiệt vào cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn đang thi công dang dở. LienVietPostBank phải bán khoản nợ vay được bảo đảm bằng quyền thu phí ở dự án này. Ảnh: Hồ Phan

Sự đình trệ của dự án này có nhiều nguyên nhân, trong đó có vụ việc một loạt lãnh đạo của Công ty Yên Khánh liên tiếp bị khởi tố, bắt tạm giam vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 vì vi phạm các quy định về quản lý đất đai và hành vi che giấu doanh số thu phí, trốn thuế.

Về phía ngân hàng cho vay, chính những rủi ro phát sinh trong quá trình thi công dự án khiến LienVietPostBank vào ngày 12.4.2019 phải chào bán khoản nợ với số nợ gốc 435,6 tỉ đồng và số nợ lãi quá hạn đã lên tới hơn 21,98 tỉ đồng, chỉ tính đến ngày 2.4.2019.

Giữa tháng 4.2019, LienVietPostBank chào bán khoản nợ gần 460 tỉ đồng với tài sản bảo đảm cho khoản vay là quyền thu phí phát sinh tại dự án do Công ty Yên Khánh làm chủ đầu tư. Ảnh: T.V

Trong thông báo bán nợ được công bố trên website www.lienvietpostbank.vn vào ngày 12.4.2019, LienVietPostBank cũng phải thừa nhận tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là toàn bộ quyền thu phí phát sinh tại dự án và đến thời điểm trên vẫn còn đang trong quá trình thi công. 

Điều trớ trêu là với tài sản bảo đảm vẫn chưa hoàn thành cũng như hiện trạng dang dở của dự án, việc ngân hàng định giá bán cho khoản nợ, trong thông báo bán nợ, là không thấp hơn nợ gốc và lãi ở thời điểm bán nợ được cho là quá nhiều kỳ vọng màu hồng.

Cùng với những vướng mắc trong quá trình đòi nợ với một doanh nghiệp cũng có liên quan đến một dự án giao thông, dường như BOT đã trở thành "quả đắng" với một ngân hàng như LienVietPostBank.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn