MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự án điện gió, điện mặt trời vào tầm ngắm của Kiểm toán Nhà nước

Cường Ngô LDO | 29/04/2022 15:05
Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời.

Kiểm toán vào cuộc

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cung cấp các thông tin để làm việc với Kiểm toán Nhà nước.

Theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp cung cấp thông tin về danh mục các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2015 đến tháng 3.2021, gồm điện gió, điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối, thủy điện vừa và nhỏ.

Trước đó, ngày 8.3, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản số 277 quyết định triển khai kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm: 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng.

Trong đó, sẽ kiểm toán đối với phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực; cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; nước sạch và vệ sinh nông thôn; phát triển đô thị và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế…

Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toá việc sử dụng và phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Vũ Phong 

Nhiều dự án điện mặt trời mái nhà có sai phạm, hệ luỵ rất lớn

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, có nhiều địa phương công bố những sai phạm khi kiểm tra các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn. Đơn cử, tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 360 đơn vị đăng ký xây dựng trang trại lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, nhưng thực tế chỉ thấy sản xuất điện mặt trời. 

Còn tại Vĩnh Long, một số dự án điện mặt trời mái nhà theo hình thức trang trại đã "lộ" loạt sai phạm sau quá trình kiểm tra của Sở Công Thương Vĩnh Long. Khi kiểm tra hơn 40 dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn, Sở này phát hiện một số sai phạm trong đầu tư, công tác nghiệm thu, đấu nối các dự án điện mặt trời mái nhà.

Sai phạm phổ biến tại các dự án điện mặt trời mái nhà trang trại tại Vĩnh Long, là lắp trên mái công trình nông nghiệp, dưới hình thức trang trại nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí về trang trại. Có dự án chênh lệch số liệu công suất pin lắp đặt giữa biên bản, hồ sơ nghiệm thu với hợp đồng mua bán điện đã ký với điện lực.

Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia năng lượng cho biết, sự bùng nổ của các điện mặt trời trong giai đoạn 2018 - 2020 có nguyên nhân là do giá mua điện cao theo Quyết định 11 năm 2017 và Quyết định 13 năm 2020 dành cho điện mặt trời.

Với mức giá mua điện chốt cứng, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN đang bán đến tay hơn 28 triệu hộ tiêu thụ trong cả nước, các nhà đầu tư điện mặt trời không cần phải đàm phán giá điện để nhanh chóng bắt tay vào phát triển dự án. 

Điều này đã khiến các dự án năng lượng tái tạo tăng trưởng đột biến về công suất, từ chỗ chỉ có 5 MW điện mặt trời trước khi có Quyết định 11, đã tăng lên đạt 17.000 MW vào ngày 1.1.2021. 

Sự phát triển quá nhanh các dự án điện mặt trời đã gây ra những hạn chế trong kiểm soát quy mô và kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Hệ luỵ là có những công trình phát điện rất lớn, nhưng "núp bóng" và lợi dụng danh nghĩa... làm điện mặt trời mái nhà. 

"Việc phát triển mất kiểm soát này dẫn đến công suất tăng thêm quá lớn, dẫn đến cắt giảm công suất các nhà máy điện hiện có đang vận hành gây thất thoát lớn cho các nhà máy điện của nhà nước, cũng như thiệt hại cho các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư một cách đúng luật và bài bản trước đó", chuyên gia nhận định.

Theo chuyên gia, bên cạnh đó, việc mua một lượng công suất điện lớn như vậy có nguy cơ đẩy giá thành điện lên cao và sẽ tăng giá điện bán lẻ cho người dân và doanh nghiệp trong nay mai là điều chắc chắn.

"Bộ Công Thương là đơn vị xây dựng và đề xuất cơ chế giá cho điện mặt trời. Với những sai phạm của các dự án điện mặt trời trong thời gian vừa qua, theo chuyên gia này, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước vào cuộc là tất yếu, để xem xét một cách khách quan; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong phát triển năng lượng sắp đến", vị chuyên gia nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn