MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Cát Linh - Hà Đồng lại chậm tiến độ vì thiếu vốn. Ảnh: TRẦN VƯƠNG.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Tắc vốn dẫn tới thi công cầm chừng, đối phó

KHÁNH HOÀ - TRẦN VƯƠNG LDO | 01/08/2017 05:45
Trong khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, 9 nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền đầu tư cho 6 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, nhưng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại “ngắc ngoải” vì tắc vốn. Nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ là nhãn tiền.

Thi công “tậm tịt”, tiến độ giật lùi

Theo ghi nhận của PV Lao Động, chiều 26.7, nhiều nhà ga trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn đang còn rất nhiều đoạn dang dở. Dọc tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú có khoảng 4, 5 nhà ga hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, tại các công trình chỉ lác đác một vài công nhân đang “vừa làm vừa nghỉ”. Khi chúng tôi tới hỏi thông tin chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Trên tuyến đường Trần Phú, nhiều nhà ga, mái che… và các công trình phụ trợ khác chưa được hoàn thiện với những tấm thép nhấp nhô trông rất nhếch nhác. Lối đi lại tại các đoạn này hiện nay cũng chưa được hoàn thành. Gạch đá lổn nhổn.

Hầu hết các hành lang đi lên vẫn chưa được lắp hàng rào bảo vệ, chỉ một sơ sẩy nhỏ với những ai hiếu kỳ bước lên cũng có thể bị ngã. Một số đoạn còn tồn lại cả vật liệu xây dựng trông rất phản cảm.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một nhà thầu phụ cho biết, DN đang “ngắc ngoải” tồn tại vì dự án này. Sau hơn 3 năm thực hiện một số gói thầu xây lắp, đơn vị này đã hoàn thành gần hết công việc nhưng Tổng thầu còn nợ hàng chục tỉ đồng tiền thanh toán, trong đó một số gói thầu đã làm xong mà phụ lục hợp đồng còn chưa ký. “Chúng tôi thực sự rất khó khăn nhưng vẫn phải bám và túc tắc hoàn chỉnh nốt một số hạng mục để được thanh toán tiền”.

Việc dự án này lại thi công tậm tịt khiến nhiều người dân sống xung quanh khu vực bức xúc vì không biết lúc nào dự án mới xong. “Khói bụi, tắc nghẽn giao thông, nguy hiểm luôn rình rập... có lẽ là những điều mà bất cứ người dân nào sinh sống và di chuyển qua các “đại công trình” đang thi công đã quá ngán ngẩm. Đáng nói hơn, dự án chậm tiến độ, thi công ì ạch gây lãng phí, tốn kém và ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân” - Anh Phi Hùng, một người dân sinh sống trên tuyến đường Trần Phú bức xúc nói.

Tắc vốn vì vướng thủ tục

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 26.7, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, dự án Cát Linh - Hà Đông đang “tắc vốn” do vướng vấn đề thủ tục vay vốn. Ông Trường cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó trong câu chuyện liên quan đến thủ tục vì Bộ Tài chính đã “gật” mà Bộ Tư pháp thì chưa.

Còn theo đại diện Ban quản lý dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, khả năng chậm tiện độ là hiện hữu và các nhà thầu phụ đang gặp nhiều khó khăn do chậm giải ngân vốn. Đại diện này cho biết, dù “vẫn động viên anh em cố gắng làm để kịp tiến độ nhưng các nhà thầu khó khăn quá” và việc tắc vốn đang “nằm ngoài tầm xử lý” của ban quản lý cũng như Bộ GTVT. Theo người này, nguyên nhân tắc vốn liên quan tới Ngân hàng Trung Quốc và Bộ Tư pháp và ban đã báo cáo Bộ GTVT để tìm hướng tháo gỡ. Tuy nhiên, đại diện này cũng thừa nhận chưa thể biết chính xác thời điểm nguồn vốn sẽ được khơi thông. Vì vậy các mốc tiến độ đặt ra như chạy thử vào tháng 10.2017 và đưa vào vận hành trong quý II/2018 là rất khó để đạt được. Cho tới nay, do thiếu vốn, mới chỉ có 1 đoàn tàu được đưa về Việt Nam và hiện đang nằm tại nhà ga La Khê, các đoàn tàu khác hiện chưa có lịch về nước dù trước đó theo dự kiến, toàn bộ 12 đoàn tàu còn lại sẽ phải được tiếp nhận trong khoảng từ tháng 6 - 7.2017.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện từ tháng 11.2008 - 11.2013, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Tuy nhiên dự án chậm tiến độ, đến tháng 10.2011 mới chính thức triển khai. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng), tăng hơn 315 triệu USD trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn