MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh lễ thông xe 110 km QL6 thuộc dự án VRAMP. Ảnh: GTVT.

Dự án giao thông 6.300 tỉ sai phạm "khủng", chỉ rút kinh nghiệm rồi được tái bổ nhiệm

Long Nguyễn LDO | 29/10/2018 10:50
Chuyện xảy ra tại Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam, do Tổng cục Đường bộ VN (TC ĐBVN) là chủ đầu tư, còn Ban Quản lý dự án 3 (Ban QLDA3) là cơ quan quản lý tổ chức.

"Vống" 150 tỉ đồng

Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỉ đồng, chủ yếu là tiền đi vay; Thời gian thực hiện từ 2014 – 2020. Vậy nhưng ngày từ khi bắt đầu, dự án đã liên tục bị kiện cáo. 

Theo đó, chỉ tính riêng năm 2017, đã có ít nhất 4 kết luận khác nhau cùng về vụ việc này, gồm: Kết luận thanh tra (của Bộ GTVT); Kết luận nội dung tố cáo (của Bộ GTVT); Kết luận nội dung tố cáo (của TC ĐBVN) và Kết luận thanh tra (của Bộ Tài Chính).

Một trong các Kết luận tố cáo liên quan đến Ban QLDA3.

Cụ thể, tại Kết luận số 985/KL-TTr, Thanh tra Bộ Tài chính nêu rõ: Công tác lập và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp không đúng dẫn tới tổng dự toán tăng gần 150 tỉ đồng. Trong đó có hàng chục gói thầu đều tính tăng phụ cấp nhân công, dự phòng khối lượng…

Cùng với đó, Thanh tra Bộ Tài chính cũng khẳng định Ban QLDA3 phải chịu trách nhiệm trong việc ký hợp đồng và nghiệm thu, thanh toán không đúng số tiền 27 tỉ đồng tại gói thầu RAP/CP6, 7, 10; Phê duyệt đơn giá không đúng hạng mục tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn các gói thầu RAP/CP8, 5, 9; Nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng khối lượng xây mới rãnh bêtông hình thang tại gói thầu RAP/CP6…

Còn Kết luận thanh tra của Bộ GTVT lại cho rằng: Dự án VRAMP sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới, tuy nhiên trong các bước triển khai tiếp theo, TC ĐBVN và Ban QLDA3 chưa thực hiện các nội dung Bộ GTVT lưu ý như lập quy trình bảo trì, vận hành khai thác các tuyên đường; bổ sung hồ sơ đánh giá năng lực hành nghề của cá nhân lập thiết kế cơ sở…

Một trong những nhiệm vụ của Dự án VRAMP là khôi phục, bảo trì một số đoạn tuyến trên QL6. Ảnh: Nhã Chi.

Bộ GTVT cũng xác định, việc lập duyệt dự toán 10 gói thầu tại hợp phần B đều không đúng, có sự chênh lệch lớn so với giá trị dự toán tính lại. Với hợp phần C, các hạng mục trong 6 gói thầu cũng bị giảm trừ do tính trùng, tính sai khối lượng đến hàng tỉ đồng.

Ngoài ra, bản Kết luận còn thể hiện đơn vị quản lý đã để “lọt lưới” ít nhất 2 nhà thầu không đủ tiêu chuẩn là Công ty Quản lý Đường bộ Thái Bình và Công ty CP Quản lý Đường bộ 234. Chính việc này đã làm sai lệch kết quả đấu thầu tại gói thầu RAP/CP15, 16, 17: “Bảo trì PBC đoạn tuyến QL6, từ KM 193 – KM 303”.

Sai phạm chưa dừng lại. Trong quá trình quản lý, Ban QLDA3 cũng để ít nhất 3 nhà thầu khác là Công ty Hòa Hiệp, Công ty 656 và Công ty CP Vinadelta tiến hành thi công trước khi bản vẽ thi công được phê duyệt. Cá biệt, có công ty còn “cầm đèn chạy trước ô tô” gần 2 tháng trời...

“Bài ca” rút kinh nghiệm

Mặc dù là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm chính cho những sai phạm chồng chất tại Dự án VRAMP, nhưng không hiểu vì sao, trong Tờ trình ngày 4.9.2018 gửi TC ĐBVN về việc Đề nghị bổ nhiệm lại chức danh Giám đốc Ban QLDA3, ông Nguyễn Xuân Trường lại trưng ra một bản lý lịch khá sạch sẽ, hoàn toàn bỏ quên những bê bối đã qua.

Nội dung Tờ trình thể hiện: Trong suốt 5 năm làm Giám đốc (10.2013 – 10.2018), ông Trường luôn hoàn thành từ tốt đến xuất sắc nhiệm vụ. Ông được nhận xét là người có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm lâu năm, có ý thức tổ chúc kỷ luật, lối sống trung thực, giản dị, không cơ hội, bè phái, không tham nhũng...

Ông Nguyễn Văn Huyện phát biểu tại một sự kiện thuộc dự án VRAMP.

Trên căn cứ đó, hồi đầu tháng 10.2018, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng TC ĐBVN đã ký vào Quyết định tái bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Trường thêm 1 nhiệm kỳ. Lập tức, sự kiện này gây băn khoăn trong công luận. Bởi TC ĐBVN chính là Chủ đầu tư của Dự án VRAMP. Với cương vị là Tổng cục trưởng, ông Nguyễn Văn Huyện dù may mắn không vấp phải rắc rối liên đới nào thì cũng không thể sớm quên những gì đã xảy ra tại BQLDA3 (?!)…

Để làm rõ hơn câu chuyện này, PV Báo Lao Động có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Trường. Vị giám đốc cho biết, liên quan đến những sai phạm đã được kết luận, bản thân ông và nhiều cấp dưới đã… nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Còn về việc thực hiện kết luận sau thanh tra, đơn vị vẫn thường xuyên báo cáo tới các cơ quan có thẩm quyền. Các khoản tiền lớn phải thu hồi hay giảm trừ, cho đến hiện tại cơ bản đã thực hiện xong. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế về cơ chế, chính sách, hiện đang tiếp tục được báo cáo tiến độ thực hiện…

Ông Nguyễn Xuân Trường (áo trắng) trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động.

Giải thích lý do không đưa những sai phạm cá nhân vào Tờ trình xin tái bổ nhiệm, ông Trường cho biết, thực tế mỗi năm Ban QLDA3 đều có đánh giá về công tác cán bộ. Do việc rút kinh nghiệm không phải là hình thức xử lý nên ông đã... bỏ qua. 

Vậy nhưng, những lùm xùm nhân sự không chỉ dừng lại ở trường hợp khó hiểu của ông Nguyễn Xuân Trường. Trong Kết luận kiểm tra việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ tại một số đơn vị trực thuộc TC ĐBVN do Bộ GTVT ban hành hồi đầu năm 2018, kết hợp với nhiều tài liệu PV Báo Lao Động thu thập được đã cho thấy nhiều vấn đề trong công tác nhân sự tại TC ĐBVN.

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn