MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch vụ vận tải hàng hóa tại Đà Nẵng tăng nhẹ trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: Cảng Đà Nẵng

Dự án hạ tầng tăng tốc, gỡ khó cho thị trường xuất khẩu

Nhóm Phóng viên LDO | 22/04/2020 16:16
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông ngay trong mùa dịch COVID-19, nhiều địa phương cũng sẵn sàng các phương án tái hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tìm hướng tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu...

TPHCM: 7 nhóm công trình hạ tầng giao thông sẽ triển khai trong năm 2020

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng dự án hạ tầng giao thông TPHCM, năm 2020, Ban sẽ triển khai 7 nhóm dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông:

Nhóm 1 là các dự án, công trình góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực Cảng Cát Lái;

Nhóm 2 là các dự án, công trình góp phần khép kín Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3 và các đường cao tốc liên vùng (trước mắt là tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài);

Nhóm 3 là các dự án, công trình nhằm mở rộng các cửa ngõ TP, các trục giao thông nối kết liên vùng;

Nhóm 4 là các dự án, công trình nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nội thị, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội thị;

Nhóm 5 là các công trình nạo vét luồng đường thủy, kè bờ và nạo vét luồng Soài Rạp;

Nhóm 6 và 7 là các công trình chỉnh trang kênh rạch, thu gom, xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ và nhóm các dự án, công trình góp phần phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

Trước đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cũng cho biết trong năm 2020 thành phố sẽ khởi công 27 dự án hạ tầng giao thông nhằm giảm tải áp lực giao thông, kéo giảm tình trạng kẹt xe tại nhiều giao điểm trên địa bàn.

Một số dự án được nhắc đến gồm cầu Mỹ Thuỷ 3 thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng sẽ giúp giải quyết ùn tắc cho khu vực ra vào cảng Cát Lái, quận 2.

Hầm chui HC1 và HC2 thuộc dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ) với tổng vốn hơn 830 tỉ đồng tại quận 7; Xây mới cầu Hang Ngoài - hơn 400 tỉ đồng; hơn 380 tỉ đồng mở rộng đường Dương Quảng Hàm giúp giảm kẹt xe khu vực quận Gò Vấp.

Tái hoạt động sản xuất kinh doanh

Cho đến thời điểm này, Đà Nẵng đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch tái hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị để khi hết lệnh cách ly xã hội thì vận hành ngay. Và các doanh nghiệp, địa phương đều nóng ruột, ngóng chờ từng ngày.

Cục Thống kê TP.Đà Nẵng cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chịu sự tác động tiêu cực mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19, một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các ngành sản xuất như may mặc, da giày, điện, điện tử, sản xuất và lắp ráp… đang chịu áp lực rất lớn vì hầu hết các nguyên, nhiên vật liệu hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ Trung Quốc, nay do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch nên việc trao đổi hàng hoá qua biên giới bị hạn chế.

Đơn cử các Công ty TNHH may mặc Ba Sao, Công ty Cổ phần dệt may 29.3, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ là những doanh nghiệp nhập khẩu đến 40-50% nguyên phụ liệu sản xuất từ Trung Quốc. So với cùng kỳ năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3.2020 ước giảm 3,6%. Tính chung quý I/2020 ước chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 14,95% so với quý IV/2019.

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải Đà Nẵng cũng gặp không ít khó khăn trong mùa dịch. Tổng doanh thu ngành Vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ, đường thuỷ và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 3.2020 ước đạt 1.114,8 tỉ đồng, giảm 9,1% so cùng kỳ năm 2019. Riêng về hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, trong tháng 3.2020, các hoạt động liên quan đến XNK trên địa bàn có chiều hướng giảm mạnh.

Ước tính quý I/2020, tổng kim ngạch XNK hàng hoá đạt 589,6 triệu USD giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó kim ngạch XK giảm 6,5% so với cùng kỳ, kim ngạch NK ước đạt giảm 14,7%.

Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng - cho biết, đơn vị đang rà soát lại tất cả các số liệu để lên kịch bản cụ thể, tham mưu cho UBND TP.Đà Nẵng để điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế năm 2020 cho toàn thành phố.

Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản

Tại tỉnh Bắc Giang, do sắp đến thời điểm thu hoạch nên địa phương đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị kế hoạch tiêu thụ sản phẩm quả vải tươi xuất khẩu. Ước tính trong năm nay, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang sẽ đạt 160.000 tấn.

Chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Sở NNPTNT đã phối hợp với UBND các huyện Lục Ngạn, Tân Yên và Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NNPTNT tiến hành rà soát, cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của Nhật Bản và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận được 19 mã số vùng trồng với diện tích 103ha và có 107 hộ tham gia. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đã được mời gọi tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và đến nay đã có 3 doanh nghiệp khảo sát để ký hợp đồng.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn, cơ quan này đã xây dựng các kịch bản tiêu thụ vải thiều trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hoặc khi dịch bệnh ngày càng phức tạp. Theo đó, thị trường trong nước và thị trường Trung Quốc vẫn phải được xác định là thị trường chính. Với thời gian dự kiến vải sẽ sớm thu hoạch từ ngày 20.5 - 5.6 và vải chính vụ thu hoạch từ 10.6 nên nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, giá vải và sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm. Chính vì vậy cần thiết đẩy mạnh các biện pháp sơ chế, chế biến và bảo quản quả vải như sấy khô, ép nước cũng như xúc tiến trực tuyến, nhắn tin quảng bá về quả vải thiều.

Trong khi đó theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn, các địa phương cần đánh giá cụ thể về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ cũng như năng lực đóng gói, bảo quản sản phẩm để chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Bên cạnh việc tiếp tục chú trọng đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị, các địa phương và doanh nghiệp cần nghiên cứu lại các hoạt động xúc tiến, đảm bảo phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay, đồng thời chủ động liên hệ sớm với các đầu mối Trung Quốc để có phương án tiêu thụ. Trường hợp bất lợi, cần có các phương án ứng phó để tránh tình trạng người dân phải bán đổ, bán tháo gây thiệt hại lớn và thay bằng các phương pháp chế biến, bảo quản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn