MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây macca tại vườn ươm. Ảnh: HT.

Dự án nông nghiệp 37 triệu USD trước nguy cơ phá sản: UBND tỉnh Quảng Trị ra “hạn cuối cùng” lần thứ 14

NHÓM PV LDO | 17/05/2017 10:52
Ngày 16.5, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra thông báo kết luận về cuộc họp giải quyết các vướng mắc trong việc giao đất cho Cty TNHH My Anh - Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) thực hiện dự án trồng cây mắc-ca và các loại dược liệu quý. Cuộc họp có sự tham dự của Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Châu và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng.

UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, mặc dù dự án đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hết sức quan tâm, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo nhưng quá trình giao đất vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ. Việc này đã ảnh hưởng đến nhà đầu tư, mất lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường thu hút đầu tư của địa phương.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do năng lực lãnh đạo quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp huyện Hướng Hóa hạn chế. Khi phát sinh vướng mắc, khó khăn thì sự vào cuộc của huyện còn chậm, thiếu quyết liệt, chưa thực sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. 

Đến thời điểm này, sau gần 3 năm từ khi UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho doanh nghiệp thuê 587,2ha đất để thực hiện dự án giai đoạn 1, vẫn còn 83ha chưa được bàn giao. Việc chậm bàn giao đất đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai dự án, khi nhiều cây giống đã phải vứt bỏ vì đến thời điểm trồng.

UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo: UBND huyện Hướng Hóa khẩn trương phối hợp với Cty My Anh - Khe Sanh tiến hành hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng, bàn giao đất cho doanh nghiệp khai hoang, sản xuất. Hoàn thành trong tháng 5.2017. Đây là “tối hậu thư” lần thứ 14 của UBND tỉnh Quảng Trị.

Như Lao Động online đã phản ánh, quá trình giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI đến từ Austrailia với số vốn đầu tư 37 triệu USD vào nông nghiệp ở huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hàng chục cuộc họp và ban hành hàng chục văn bản với 13 lần ra “tối hậu thư” phải hoàn thành việc giao đất cho doanh nghiệp. Thế nhưng cho đến nay (16.5.2017), mọi vướng mắc vẫn giậm chân tại chỗ, hơn 80ha đất đã được doanh nghiệp bỏ tiền ra đền bù, hỗ trợ (trong đó có những diện tích đã đền bù đến lần thứ 2) vẫn chưa được bàn giao cho doanh nghiệp. Hơn thế nữa, nhiều diện tích trong số đó đang đứng trước nguy cơ phải chi tiền để bồi thường lần thứ 3.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn