MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Thành Vũ

Dự báo doanh nghiệp trúng đậm nhờ cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành

Đức Mạnh LDO | 26/05/2023 20:48
Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 và 2 được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính cho các công ty xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2025.

Sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị đơn hàng tồn đọng (backlog) tăng đáng kể. Theo thống kê của Chứng khoán VNDirect, giá trị backlog của CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả cuối quý I/2023 là 3.135 tỉ đồng, gấp 6 lần so với trung bình doanh thu mảng xây lắp trong giai đoạn 2021 - 2022.

Nhờ việc các dự án hạ tầng giao thông thường được thi công trong 2 - 2,5 năm, tương đương giai đoạn 2023 - 2025, các công ty xây dựng hàng đầu đang đứng trước cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu so với giai đoạn 2021 - 2022.

Theo báo cáo tài chính của 8 công ty niêm yết mới được chỉ định thầu (đầu năm 2023) tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, chuyên gia từ VNDirect nhận thấy, 7/8 công ty ghi nhận khoản mục người mua trả tiền trước tăng so với đầu năm. Xu hướng này chủ yếu nhờ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các chủ đầu tư đã chủ động giải ngân khoản vốn đối ứng thực hiện dự án cho các nhà thầu.

Điều này dẫn đến áp lực vốn lưu động đối với các công ty xây dựng hạ tầng đã giảm đáng kể. Tỉ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của nhóm các công ty này giảm tại cuối quý đầu năm 2023. Trong đó, CTCP Lizen gần như không có nợ vay ròng.

"Chỉ những doanh nghiệp xây dựng với năng lực thi công tốt, khả năng huy động máy móc thiết bị hợp lí và nguồn vốn dồi dào mới có hiệu quả sinh lời tốt tại dự án cao tốc Bắc - Nam. Lý do là yêu cầu thời gian thi công ngắn và Chính phủ đã ấn định mức biên lợi nhuận cố định so với giá thầu tại các dự án" - chuyên gia đánh giá. 

Không những thế, nhờ Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các công ty này sẽ còn cơ hội tiếp tục giành thêm những gói thầu mới. Quy mô doanh thu của các công ty xây dựng hàng đầu có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa trong những năm tới.

Trung bình tỉ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1x vào cuối quý I/2023, Ảnh: VNDirect 

Bên cạnh đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) cũng hấp dẫn nhiều nhà thầu với tổng giá trị xây lắp lên tới 56.000 tỉ đồng (giai đoạn 1). Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói 5.10 (gói thầu lớn nhất) xây dựng nhà ga hành khách tại LTIA vẫn đang liên tục bị trì hoãn do giá thầu thiếu hấp dẫn và thời gian thi công gấp gáp. 

Do đó, sau khi được phê duyệt điều chỉnh 2 nút thắt lớn trên, LTIA cũng sẽ là động lực tăng trưởng cho các nhà thầu nội trong thời gian tới. Theo VNDirect, ban lãnh đạo của các công ty xây dựng tiết lộ rằng, vốn đối ứng ban đầu của chủ đầu tư cho nhà thầu tại các dự án sân bay thường là 30 - 50% giá trị gói thầu, cao hơn đáng kể so với các dự án thi công đường bộ (10 - 20%).

Quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói 5.10 xây dựng nhà ga hành khách tại LTIA vẫn đang liên tục bị trì hoãn. Ảnh: Hà Anh Chiến 

Với những yêu cầu đặc thù về kỹ thuật và thiết bị thi công, chuyên gia cho hay, chỉ có số ít các nhà thầu trong nước có thể đáp ứng đủ tiêu chí tham gia thi công LTIA. Trong đó, có khả năng là CTCP Tập đoàn CIENCO4 và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam vì đã tham gia thi công nhiều dự án hàng không tại Việt Nam. Tuy nhiên, do quy mô các gói thầu tại LTIA rất lớn, các công ty này sẽ phải liên doanh với các đơn vị khác để đảm bảo được tiến độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn