MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu cá tra đang giảm sút do dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Dự báo giá cá tra diễn biến khó lường do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Vũ Long LDO | 03/03/2020 18:56

Tính đến giữa tháng 2.2020, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019, dao động ở mức 19.500 đồng/kg.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một trong những nguyên nhân khiến giá cá tra lao dốc, là do hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn.

Tiếp theo đó, sau Tết Nguyên đán, diễn biến dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, cả Trung Quốc và Việt Nam đều kéo dài thời gian đóng cửa khẩu và các cặp chợ biên giới, nên xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bị gián đoạn.

“Đây là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam nên ngay khi diễn biến thị trường thay đổi đã tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu” – ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, tổng diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL ước đạt 6,6 nghìn ha, tăng 22,2% so với năm 2018. Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, trong đó, sản lượng tập trung tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ.

Được biết, năm 2019, giá nguồn nguyên liệu cá tra giảm sút, dù đạt mức giá 34.000-35.000 đồng/kg hồi tháng 2.2019, nhưng sau đó giá đã nhanh chóng giảm và có thời điểm chỉ còn 18.000-19.000 đồng/kg, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu thống kê theo dõi diễn biến giá xuất khẩu cá tra của VASEP cho biết, sau khi giảm từ mức giá khả quan 34.000 - 34.500 đồng/kg (tháng 2-3.2019), giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã giảm xuống mức 20.500 - 21.000 đồng/kg vào tháng 1.2020.

“Trước tình hình thị trường tạm chững trong quý đầu năm nay, giá cá tra có thể giảm nhẹ thêm trong thời gian tới. Nếu thị trường xuất khẩu ổn định trở lại, giá cá tra sẽ tăng dần trong các quý tiếp theo” – đại diện VASEP cho hay.

Tuy nhiên, VASEP cũng đưa ra lời cảnh báo đối với doanh nghiệp nuôi thả và xuất khẩu cá tra: Tình hình dịch bệnh do COVID-19 còn diễn biến phức tạp và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động của dịch bệnh này.

Do đó, người nuôi và doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng thị trường, cập nhật thông tin để điều chỉnh kế hoạch nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ, tránh tình trạng dưa thừa khiến giá cá tra lao dốc, hoặc thiếu hụt nguồn cung khiến người nuôi và doanh nghiệp  không có hàng để xuất khẩu, bở lỡ cơ hội thu lợi nhuận.

Được biết, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gặp khó ở khâu đầu ra, nhất là thị trường Trung Quốc - thị trường chủ lực về xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tại ĐBSCL, nhiều người nuôi đang phải cho cá tra ăn “cầm chừng” để giảm bớt thua lỗ bởi nguyên liệu chăn nuôi cá đang tăng cao, trong khi giá cá tra đã lao dốc gần 48%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn