MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự báo những nhóm ngành tăng trưởng khả quan năm 2024

Lục Giang LDO | 26/03/2024 14:24

Một điểm sáng đáng chú ý trong năm 2024 là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bắt đầu phục hồi, nhà đầu tư đã quay trở lại mua trái phiếu. Các ngành chịu ảnh hưởng bởi biến động giá hàng hóa như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi.

Phát biểu tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” do CafeF tổ chức ngày 26.3.2024, TS Cấn Văn Lực dự báo, nhìn từ các động lực tăng trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2024-2025 sẽ tốt hơn khi lạm phát tăng trong mục tiêu, lãi suất giảm nhẹ và tỷ giá ổn định hơn.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Việt Hùng

Đối với các doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp cận vốn được duy trì và khả năng huy động vốn cũng như nguồn lực đầu tư - kinh doanh dễ dàng hơn. Trong khi đó, các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ, thể chế được quan tâm hoàn thiện. Niềm tin đã phục hồi, dù còn chậm.

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành cho rằng đối với mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong giai đoạn 2021-2025, sẽ có rất nhiều thách thức. Một thực tế được chỉ ra là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng kỳ vọng.

Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19; Biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và mô hình tăng trưởng cũ dựa nhiều vào vốn, lao động giá rẻ đã đến điểm tới hạn.

Về khả năng huy động nguồn lực, TS Cấn Văn Lực cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% trong năm 2023 (cao hơn năm 2020 và 2021), nhưng cần kích cầu đầu tư tư nhân. Ước tính năm 2023, tổng vốn đầu tư khu vực Nhà nước tăng 14,6%, khu vực ngoài Nhà nước tăng 2,7%, khu vực FDI tăng 5,4%.

Một điểm sáng đáng chú ý là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bắt đầu phục hồi, nhà đầu tư đã quay trở lại mua trái phiếu.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, thị trường TPDN đã trải qua thời kỳ phát triển bùng nổ, sau đó “thoái trào” và ảm đạm do nhà đầu tư mất niềm tin vào kênh đầu tư này. Năm 2021, thị trường TPDN đạt đỉnh với tổng giá trị phát hành đạt 742 nghìn tỉ đồng, sau đó giảm mạnh xuống còn 269 nghìn tỉ đồng trong năm 2022 và năm 2023 tổng giá trị phát hành đạt 338 nghìn tỉ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục, nhà đầu tư đã quay trở lại thị trường. Ảnh chụp màn hình

Tổng giá trị TPDN chậm trả năm 2023 khoảng 192 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 16% dư nợ TPDN toàn thị trường (đã được cơ cấu lại 62%); nhóm ngành bất động sản chiếm 66% giá trị. Năm 2024, giá trị TPDN đáo hạn khoảng 239.000 tỉ đồng (94.000 tỉ đã được cơ cấu lại nhưng đáo hạn), trong đó, lĩnh vực bất động sản khoảng 1.000.000 tỉ đồng, chiếm 42%.

Dù vậy, TS Võ Trí Thành và TS Cấn Văn Lực đều nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm kiếm các cơ hội bứt phá đều phải xác định rõ khẩu vị rủi ro và phương thức quản trị rủi ro của mình.

Đối với nhà đầu tư, bối cảnh vĩ mô dần tốt lên trong khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp, dòng tiền sẽ tìm đến những kênh đầu tư khác để tìm kiếm lợi suất cao hơn.

Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quay trở lại xu hướng tăng trưởng kể từ quý IV/2023. Các ngành chịu ảnh hưởng bởi biến động giá hàng hóa như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi.

Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể được cải thiện trong năm 2024 nhờ triển vọng tín dụng tích cực hơn. Các nhóm ngành như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, logistic, hạ tầng giao thông/năng lượng, công nghệ, tiêu dùng/bán lẻ được đánh giá có triển vọng tăng trưởng giá trị vốn hóa trong giai đoạn tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn