MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2019 (Ảnh minh họa).

Dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 có thể đạt từ 6,8%-7%

P.N LDO | 11/07/2019 15:03

Ngoài dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt từ 6,8%-7%, Trung tâm Thông tin và Dự  báo kinh tế - xã hội Quốc gia còn dự báo lạm phát 2019 có thể được kìm ở mức 3,0-3,1%

Sáng 11.7.2019, tại hội nghị đánh giá tổng quan kinh tế giữa kỳ năm 2019, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) nhận định:

6 tháng năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT) có sự phát triển đồng đều, giảm bớt phụ thuộc vào một số mặt hàng; vốn đầu tư nước ngoài tăng do có sự chuyển dịch nguồn vốn từ Trung Quốc;  Việt Nam tận dụng được cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng đã hỗ trợ được tăng trưởng và ổn định vĩ mô; lạm phát và tỉ giá được kiểm soát và điều chỉnh ở mức thấp là tiền đề cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô.  

 

Theo TS Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo – Trung tâm NCIF, tác động của dịch tả lợn Châu Phi đã làm ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng 3,08% của 6 tháng đầu năm 2018; ngành sản phẩm điện tử,  máy tính và sản phẩm quang học; tăng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do tác động bất lợi của kinh tế thế giới…

Tuy nhiên, nhờ một số cơ hội như đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung vào CNCBCT; tăng đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc; tác động của giá điện, giá xăng dầu không quá nhhiều; tăng trưởng tín dụng chậm lại phù hợp với xu hướng điều hành… đã tạo điều kiện để kinh tế vĩ mô được điều hành đúng hướng, thị trường tiền tệ ổn định, tỉ lệ lạm phát thấp.

Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo về những rủi ro do nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao; xuất khẩu nông sản dự báo nhiều rủi ro bị cạnh tranh và hàng rào thương mại; dư địa chính sách tài chính và tiền tệ hạn hẹp trước sức ép lạm phát và tỉ giá; nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài và tác động tiêu cực do chi phí lao động tăng nhanh hơn mức tăng năng suất lao động…

 
Cũng theo TS Đặng Đức Anh, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA chậm nhiều năm qua chưa giải quyết được; môi trường kinh doanh chưa có chuyển biến rõ nét; khu vực DN trong nước chủ yếu sản xuất  nhỏ, hoạt động trong phân khúc thấp của chuỗi giá trị; thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo, có chuyên môn cao; sức ép về đảm bảo năng lượng, cơ sở hạ tầng cho năng lượng… là những vấn đề cố hữu của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua, cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ mới chuyển biến nhưng chưa thực sự bền vững.

Để giữ mức tăng trưởng từ 6,8-7% năm 2019, TS Đặng Đức Anh cho rằng, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân để bù đắp sự sụt giảm của khu vực chế biến chế tạo...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn