MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm. Ảnh: Vũ Long

Dự báo xuất khẩu gạo lạc quan hơn vào cuối năm

Vũ Long LDO | 04/08/2021 18:41

Mặc dù xuất khẩu gạo đang trầm lắng, nhưng thị trường sẽ sôi động trở lại vào cuối năm, khi doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, trả các đơn hàng.

Thị trường trầm lắng vì doanh nghiệp thực hiện giãn cách xã hội

Theo doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An), mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo cho đối tác. Đây là nỗ lực của doanh nghiệp, bởi hiện nay tình hình xuất khẩu khá trầm lắng.

Tuy nhiên, điều khiến ông Bình lo lắng là hiện nay, TP.Cần Thơ đang thực hiện giãn cách xã hội, nếu tình hình khả quan hơn, thì 2 tuần nữa Công ty Trung An mới có thể triển khai xuất khẩu bình thường.

Mặt khác, do thực hiện giãn cách, nhân lực của doanh nghiệp nghỉ hết 2/3, nên không đủ năng lực sản xuất, chế biến phục vụ xuất khẩu.

“Với 1/3 số công nhân hiện tại không thể đảm đương được hết các công đoạn từ sản xuất, đóng hàng, vận chuyển ra container” - doanh nhân Phạm Thái Bình cho biết.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco - cho biết: Hiện nay, đang thực hiện giãn cách xã hội, nhân lực nghỉ gần hết nên hoạt động xuất nhập khẩu đang trầm lắng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phước Thành IV (Vĩnh Long) - cũng cho hay: Phước Thành IV hiện còn khoảng 2.600 tấn gạo đã ký kết hợp đồng phải giao cho đối tác nên công ty đang cố gắng đàm phán tìm tàu và container đóng hàng để kịp giao.

“Riêng với những hợp đồng mới, công ty đã từ chối hết vì không thể dự báo trước được tình hình như hiện nay” - ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Kỳ vọng xuất khẩu gạo tăng vào cuối năm

Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) - cho hay, thu hoạch lúa hè thu đang đúng tiến độ dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đang nỗ lực tháo gỡ và hoạt động cung ứng, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang được cải thiện đáng kể.

Đối với xuất khẩu gạo, những khó khăn hiện tại chỉ nhất thời, về tổng quan thì tổng nhu cầu gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng trong khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan dự báo sẽ giảm.

“Đây là cơ hội để gạo Việt đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Theo doanh nhân Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia và Malaysia đang đối mặt với tình trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất nghiêm trọng, nên dự báo xuất khẩu gạo của các quốc gia này sẽ khó khăn hơn.

Hơn nữa, nguồn cung gạo từ nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, theo báo cáo của FAO, Bangladesh có thể nhập khẩu tới 1,8 triệu tấn gạo trong năm 2021, mức cao nhất trong 4 năm. Bangladesh hiện nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi xảy ra lũ lụt liên tiếp năm ngoái, phá huỷ mùa màng và đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục. Đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trao đổi với PV Lao Động, các thương nhân xuất khẩu gạo cũng cho rằng, những khó khăn của các thị trường cạnh tranh sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nếu Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh, thì xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục lạc quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn