MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Du lịch Đà Lạt thời hậu COVID-19: “Xanh” hơn, “xa” hơn

Phương Nhiên LDO | 27/04/2022 20:19

Lâm Đồng - Là một trong những thành phố phát triển du lịch năng động nhất cả nước, Đà Lạt đang cho thấy sự nhanh nhạy trong việc chuyển đổi các mô hình du lịch trở nên “xanh” hơn, gắn với thiên nhiên. Du khách có xu hướng tìm đến những khu vực xa hơn như rừng núi, nông thôn ngoại thành… góp phần kéo giãn mật độ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố.

Trong cái khó, ló cái khôn

Là người Đà Lạt, ông Nguyễn Ngọc Hùng (39 tuổi) xa quê hơn 20 năm để lập nghiệp ở TPHCM. Dù đã có gia đình và nhà cửa ổn định dưới thành phố nhưng ông vẫn luôn nung nấu sẽ có ngày đưa vợ con về quê ở hẳn. Dịch bệnh ập đến trở thành lý do để ông nhanh chóng quyết định cùng gia đình về Đà Lạt.

“Ban đầu, hai vợ chồng chỉ tính dựng nhà ở trên mảnh đất của ông bà cho ở ngoại thành. Nhưng sau khi đón bạn bè dưới thành phố lên chơi, mọi người động viên nên mở rộng thành một farmstay (dạng nông trại nghỉ dưỡng) để đón du khách, vừa tận dụng được quỹ đất vườn đang để trống, vừa đón được xu hướng du lịch đang ngày càng phát triển”.

Sau gần 1 năm dốc hết số tiền tiết kiệm của gia đình để làm du lịch, nông trại của vợ chồng ông Hùng đang dần hoạt động ổn định và bắt đầu có thu nhập. 

  Với loại hình farmstay, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống nông thôn, gần gũi với thiên nhiên.

Du khách đến farmstay, điểm du lịch làng quê thường là gia đình có con nhỏ, sống ở các thành phố lớn. Đi nghỉ dưỡng ở những nơi như vậy là dịp để họ được rời xa khói bụi thành phố, sống gần gũi hơn với thiên nhiên, làng quê yên bình. "Đây cũng là cơ hội để những đứa trẻ thị thành được lần đầu tiên sờ vào con dê, con châu chấu, được biết cây lá nếp xanh và thơm như thế nào…” - chia sẻ của du khách Nga Nguyễn (Hà Nội). Những bài học thực tế đó hiệu quả hơn nhiều những trang sách giáo khoa. Và so với những giờ học online trong căn phòng kín bưng ở thành phố thì còn trải nghiệm nào tuyệt vời hơn nữa?

Theo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, ngoài các chương trình tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm, khu du lịch truyền thống thì trên địa bàn TP.Đà Lạt đã hình thành nên các tuyến du lịch đến các vùng ngoại thành như: Làng hoa Vạn Thành – Tà Nung (Lâm Hà), các tuyến du lịch thiên nhiên, rừng núi ở huyện Lạc Dương, đèo Mimosa, Cầu Đất, hồ Tuyền Lâm... Các tuyến du lịch này đã và đang được các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh quảng bá xúc tiến cũng như đưa vào chương trình tham quan, nghỉ dưỡng. Bước đầu ghi nhận phản hồi tích cực cũng như sự thích thú, hưởng ứng của đông đảo du khách.

 Những điểm đến hoang sơ, xa trung tâm thành phố, gần gũi với thiên nhiên đang ngày càng thu hút nhiều du khách.

Càng mới thì càng phải đầu tư bài bản, bền vững

Thực ra, xu hướng du lịch farmstay, cắm trại, dã ngoại cũng đã bắt đầu phát triển ở Việt Nam từ vài năm trở lại đây. Nhờ lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên nên tại Đà Lạt và các vùng ngoại ô, các huyện phụ cận, xu hướng du lịch này lại càng phát triển nhanh, mạnh hơn. Tuy nhiên, phần lớn các điểm này vẫn còn manh mún, chưa được đầu tư bài bản, xứng tầm. 

Thậm chí, theo Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng thì hiện trong quy định của Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa có quy định cụ thể đối với loại hình du lịch farmstay và cắm trại, dã ngoại. Luật Du lịch vẫn đang gọi tất cả các loại hình du lịch này bằng tên chung là du lịch canh nông. Vậy nên việc quản lý các điểm du lịch farmstay, cắm trại, dã ngoại vốn có những đặc thù riêng vẫn đang còn nhiều lỗ hổng. Trong đó có các vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ đối với những farmstay mà người dân chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tiếp, đón, phục vụ du khách.

Nhiều farmstay xây dựng trên đất vườn, rừng nên còn xảy ra tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng đất nông – lâm nghiệp. Đặc biệt, với những điểm du lịch cắm trại, dã ngoại tự phát thì vấn đề về an ninh trật tự, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường cũng rất khó kiểm soát. 

  Xu hướng mới sẽ giúp phát triển du lịch ở những vùng phụ cận TP.Đà Lạt, phát huy được giá trị sản vật của vùng đất đó.

Rõ ràng, xu hướng du lịch đến gần hơn với thiên nhiên như thế này là rất đáng khích lệ. Nó không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch đồng đều giữa các địa phương mà còn tận dụng và phát huy giá trị nguồn lợi nông – lâm - thuỷ sản của nơi đó. Và vì xu hướng này còn mới nên ngay từ đầu, các cơ quan liên quan càng cần chú trọng xây dựng và phát triển thành một môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, thân thiện, mến khách. Như vậy, xu hướng du lịch đó mới thật sự “xanh” và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn