MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vắng lặng vì dịch bệnh, mưa bão. Ảnh: Thanh Chung

Du lịch miền Trung: Đìu hiu khi hết dịch lại đến thiên tai bão lũ

Thuỳ Trang LDO | 21/11/2020 07:27
Những tưởng sau khi dịch COVID-19 được khống chế tại TP.Đà Nẵng, các chương trình du lịch kích cầu tại miền Trung sẽ được khởi động lại. Thế nhưng chỉ trong 1,5 tháng, gần 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào miền Trung đã cuốn ngành kinh tế mũi nhọn du lịch đi xa hơn.

Nay, những tuyến phố đi bộ đìu hiu, các khách sạn, nhà hàng cửa đóng then cài. Thậm chí, tại bờ biển Hội An, thiên tai còn khiến hàng loạt cửa hàng hải sản bị sóng nuốt chửng.

Phố vắng, bờ biển tan hoang

Dạo quanh một vòng Thành phố Đà Nẵng những ngày này, đỏ mắt mới có thể tìm kiếm được một vài du khách. Những con đường ven biển của hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn từng dập dìu đủ loại phương tiện đưa đón khách thì nay vắng vẻ. Chính vì vậy, ngay cả tuyến phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) - nơi được ví là phố Tây của Đà Nẵng - cũng vắng lặng, đìu hiu. Các khách sạn, nhà hàng, quán càphê, quán bar dọc các con đường này đều cửa đóng then cài. Thậm chí, không ít nơi còn đặt bảng “cần bán”, “cho thuê”.

Ông Lê Văn Thuỷ - chủ một khách sạn trên đường An Thượng 1 - cho hay: “Sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 2, chúng tôi cứ nghĩ có thể mở cửa đón khách nội địa trở lại để cầm cự. Vậy nhưng liên tiếp sau đó là bão, lũ nên ngành du lịch lại tiếp tục nghỉ dài. Bởi, nguồn khách chính của chúng tôi là quốc tế nhưng nay đường bay chưa mở. Trong khi đó, khách nội địa như khu vực Hà Nội, TPHCM đều cảnh giác cao với dịch bệnh. Họ dù rất muốn đi du lịch đến Đà Nẵng nhưng ai cũng nói bao giờ tình hình thực sự ổn mới quyết định. Nói vậy thì chẳng biết đến bao giờ!”.

Trong khi đó, ông Thuỷ cho biết, với khách sạn dưới 3 sao hoạt động tốt như mọi năm, mỗi tháng ông Thuỷ thu về trên dưới 100 triệu đồng. Vậy nhưng từ tháng 6 đến nay, hết dịch bệnh đến thiên tai, ông Thuỷ đành phải đóng cửa khách sạn, cho nhân viên nghỉ. Việc dọn dẹp khách sạn sau mỗi đợt mưa bão cũng do hai vợ chồng ông làm để giảm tối đa các chi phí phát sinh vì hiện không có nguồn thu.

“Mà chẳng riêng gì tôi, dọc các con đường du lịch quanh đây, các khách sạn, nhà hàng đều đóng cửa. Không có khách, càng mở cửa càng chết. Từ tuyến phố náo nhiệt, khách đặt phòng kín cả năm vậy mà nay chẳng có ai buồn ghé qua” - ông Thuỷ nói.

Tương tự như tình trạng của Đà Nẵng, du lịch Hội An cũng chẳng khá hơn khi nguồn khách chính của khu phố cổ đa phần đều trung chuyển từ TP.Đà Nẵng vào. Những con phố Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo từng đông nghẹt du khách nay đìu hiu, vắng lặng. Các nhà hàng đóng cửa từ đợt dịch 1 đến nay vẫn chưa mở trở lại vì đa phần họ phục vụ cho khách quốc tế.

Trong khi đó, chưa kể đến dịch bệnh, cơn bão số 13 vừa qua dù không đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam nhưng sóng lớn đã khiến nhiều căn nhà của người dân chuyên kinh doanh hải sản dọc bờ biển Hội An, đoạn qua phường Cẩm An (TP.Hội An) bị triều cường xâm thực mạnh đánh tan tác. Một số căn nhà bị “nuốt chửng” hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (40 tuổi, trú tổ 4 Tân Thịnh Mỹ, phường Cẩm An) nói rằng, bà buôn bán ở đây đã được 4 năm, tuy nhiên từ cơn bão số 9 đến nay, sóng đánh mạnh lấn sâu vào bờ hàng trăm mét. Dọc theo bờ biển ở đây, có ít nhất 7 hộ bị sóng cuốn trôi nhà cửa. “Do nhà tôi nằm trong diện nguy hiểm nên được chính quyền di dời đến nơi an toàn để trú ẩn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng cơn bão số 13, trong tối 14 và rạng sáng 15.11, sóng biển đã đánh sập hàng loạt ngôi nhà dân chúng tôi. Lúc quay về, tôi ra xem thì thấy chỉ còn lại đống đổ nát. Căn nhà tôi đã bị đánh sập hoàn toàn” - bà Hoa nói.

Khởi động nhưng chưa chắc đã có khách

Sở Du lịch TP.Đà Nẵng ước tính năm 2020, thiệt hại tổng thu của cả ngành Du lịch thành phố khoảng 26.000 tỉ đồng. Đặc biệt, lao động ngành Du lịch phải tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 8.2020 đến nay ước khoảng 31.874 người/50.963 người. Cả năm 2020, tổng khách tham quan, du lịch thành phố ước chỉ hơn 2,7 triệu lượt, giảm 68,6% so cùng kỳ năm 2019, tổng thu du lịch ước đạt hơn 10.000 tỉ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019.

Được biết hiện nay, cả Quảng Nam, Đà Nẵng đang chuẩn bị các chương trình kích cầu như tham gia hội chợ du lịch, đón các đoàn khảo sát, tổ chức các chương trình sự kiện… Tuy nhiên, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho rằng, dù khởi động thì vẫn khởi động, nhưng người làm du lịch chưa có kỳ vọng khách quay lại Đà Nẵng ngay thời điểm này vì rất nhiều lý do từ dịch bệnh cho đến thiên tai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn