MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
So sánh doanh thu du lịch các địa phương nửa đầu năm 2023 và 2024. Đồ hoạ: Lâm Hoàng

Du lịch nội địa: Những cuộc đua tỉ USD

Hà An LDO | 04/07/2024 07:00

Du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2024 với doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 356.400 tỉ đồng, tăng 15,2% so với nửa đầu năm 2023.

Những làn sóng mới

Khác với mọi năm, anh Lê Tùng (Hà Nội) quyết định nghỉ phép dài ngày để cùng gia đình làm một chuyến du lịch bằng ôtô cá nhân tới Đà Nẵng.

“Tôi thấy rằng du lịch bằng ôtô cá nhân đang là một xu thế trong những năm gần đây và đặc biệt trong mùa hè này. Một phần do giá máy bay nội địa tăng cao, một phần là hệ thống cao tốc của Việt Nam đã khá thuận tiện, tạo điều kiện cho nhiều trải nghiệm. Ví dụ từ Hà Nội vào tới tận Hà Tĩnh chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ, với chặng cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vừa được đưa vào sử dụng hôm 30.6. Thậm chí tôi đã dự kiến chặng trở về từ Đà Nẵng đi một mạch, chỉ hơn 10 tiếng, rất tiện…”.

Chuyến đi của gia đình anh Lê Tùng được cho là khá điển hình của xu thế hiện nay góp phần vào sự khởi sắc đáng kể của ngành du lịch nửa đầu năm 2024.

Số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76% GDP, về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống toàn ngành ước tăng 15,2%; doanh thu từ lữ hành tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 356.400 tỉ đồng.

Đáng chú ý doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như Quảng Ninh tăng 25,2%; Đà Nẵng tăng 22,2%; Hải Phòng tăng 15,0%; Hà Nội tăng 11,3%; Cần Thơ tăng 11,2%; TPHCM tăng 8,1%...

Báo hiệu bùng nổ

Nếu như năm ngoái, chỉ có 9 địa phương có doanh thu về du lịch trong 6 tháng đầu năm trên 10.000 tỉ đồng thì năm nay con số chưa chính thức cho thấy đã có khoảng 15 địa phương đạt mức này. Đáng chú ý nhiều địa phương đã tiệm cận ngưỡng doanh thu tỉ USD như: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Đứng số 1 vẫn là TPHCM với tổng thu du lịch 6 tháng năm 2024 ước đạt 92.643 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm 2024.

Thời gian qua, công tác tổ chức các sự kiện du lịch kết nối với văn hóa tại TP tạo được điểm nhấn với các sự kiện chính như Lễ hội Áo dài TPHCM, Ngày hội Du lịch TPHCM, Lễ hội Sông nước TPHCM… thu hút sự chú ý của khách trong và ngoài nước, đồng thời kích cầu du lịch nội địa, góp phần thúc đẩy ngành du lịch TPHCM phát triển; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp TP giới thiệu các sản phẩm du lịch và hoạt động khuyến mãi đến với người dân địa phương và khách du lịch trong nước với các hoạt động phong phú, đa dạng.
Tiếp theo là Hà Nội với tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 55.300 tỉ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tốc độ tăng trưởng, ghi nhận Khánh Hòa, Bình Định là những địa phương đột phá.

Theo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, 6 tháng đầu năm, tổng lượt du khách đến tỉnh này đạt con số 5,6 triệu (tăng hơn 106%), doanh thu ước đạt 15.000 tỉ đồng (tăng 96,9% so với cùng kỳ năm 2023). Còn tại Khánh Hòa, báo cáo từ địa phương cho biết tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đã đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2,4 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 26.072 tỉ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ.

Cơ hội và rào cản

Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỉ đồng. Với những con số đã đạt được 6 tháng đầu năm, mục tiêu nêu trên của toàn ngành là hoàn toàn có thể đạt được. Đáng chú ý, mùa cao điểm du lịch quốc tế của Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4 nên cuối năm sẽ là cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc bứt phá.

Trước cơ hội này nhiều tỉnh thành đã sớm xây dựng kế hoạch đưa ra các sản phẩm du lịch ấn tượng. Chẳng hạn như Quảng Ninh, Đà Nẵng với việc khẳng định sức hấp dẫn đối với dòng khách du lịch tàu biển, mở nhiều cơ hội phát triển du lịch tàu biển quanh năm. Hà Nội đầu tư vào các tour du lịch đêm…

Đối với xu thế du lịch bằng xe hơi, việc Tập đoàn Vingroup cho ra mắt Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ FGF - Vì Tương lai Xanh (For Green Future) chuyên mua bán, cho thuê ôtô điện sẽ góp phần thúc đẩy du lịch nội địa, đặc biệt ở các địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Huế...

Tuy nhiên, đối với du lịch nội địa, vẫn đang còn rào cản là giá vé máy bay tiếp tục ở mức cao, dù các hãng bay đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm giá, trong đó khuyến khích khách du lịch bay đêm. Song, hiệu quả của việc thu hút khách từ bay đêm chưa cao do thiếu kết nối, đồng bộ giữa đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú (giờ check-in).

Cần có một “nhạc trưởng” cho cả một chiến dịch du lịch tầm quốc gia từ vận chuyển - lưu trú, hoạt động, các sự kiện du lịch thì du lịch Việt mới có sự tăng trưởng bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn