MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Du lịch tăng trưởng hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng sân bay

Phương Thảo LDO | 26/10/2022 10:38
Vận tải hàng không đóng vai trò không thể thay thế trong ngành du lịch. Hai ngành này phụ thuộc vào nhau để tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch. 

“Cặp bài trùng”: Hàng không - du lịch

Theo một báo cáo năm 2018 của Nhóm Hành động vận tải hàng không, hơn 58% tổng số khách du lịch quốc tế chọn hàng không là phương tiện di chuyển. Với sự tăng trưởng không ngừng của lượng khách du lịch trên toàn cầu, yêu cầu mở rộng, phát triển mạng lưới hạ tầng hàng không ngày càng trở nên cấp thiết. Một báo cáo của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) cho thấy, lưu lượng hành khách dự kiến ​​đạt hơn 20 tỷ lượt vào năm 2039, đi cùng với đó là mức độ kỳ vọng ngày càng tăng về các vấn đề an toàn, bảo mật, sự tiện lợi tại sân bay. 

Hơn 58% khách chọn du lịch bằng máy bay.

Năm 2014, ngành hàng không đã hỗ trợ hơn 36 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch, đóng góp khoảng 892 tỷ USD cho GDP toàn cầu.

Như vậy có thể nói, ngành hàng không và du lịch cùng dựa vào nhau để tăng trưởng bền vững. Trước nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng vọt sau đại dịch COVID-19 và tạo đà cho du lịch phát triển trong dài hạn, nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp nâng cấp hệ thống hàng không. Một trong những biện pháp chính là đầu tư mạnh cho hạ tầng sân bay.

Sân bay “đi tắt đón đầu”

Thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) là ví dụ điển hình cho sự phát triển của một địa phương nhờ có sân bay. Sau khi sân bay Thượng Nhiêu chính thức đi vào hoạt động tháng 5.2017, công trình này đã giúp giảm 45% thời gian di chuyển từ các đô thị lớn và đón tới gần 500.000 hành khách vào năm 2020. Nhờ có sân bay, ngành du lịch thành phố cũng đã khởi sắc. Năm 2017, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Thượng Nhiêu đạt hơn 21 tỷ USD, tăng 31,5% so với năm trước. 

Tháng 7 vừa qua, Mỹ cũng thông báo sẽ chi gần 1 tỷ USD cho dự án cải thiện, nâng cấp 85 sân bay trên cả nước. Trong khi, Thái Lan sẽ nâng cấp, mở rộng 3 sân bay tại Bangkok để đáp ứng nhu cầu lượng khách tăng cao.

Tại Singapore, chính phủ nước này cũng phê duyệt dự án mở nhà ga thứ 5 tại sân bay quốc tế Changi nhằm đẩy sức chứa sân bay Changi lên 140 triệu hành khách/năm, tăng 65% lượng khách so với thời kỳ trước COVID-19.

Sân bay quốc tế Suvarnabhumi tại Bangkok, Thái Lan.

Những động thái trên cho thấy, các nước đều đánh giá cao tác động đáng kể của việc đầu tư hay nâng cấp, mở rộng hạ tầng sân bay đối với sự phát triển của ngành du lịch và vận tải.

Đột phá về hạ tầng

Một số quốc gia như Singapore, UAE, Hà Lan… đã sớm phát triển sân bay thành những khu phức hợp mua sắm, giải trí, tham quan, nghỉ ngơi cho du khách và hiện diện nhiều công trình kiến trúc độc đáo.

Sân bay Changi (Singapore) đưa quốc đảo sư tử trở thành một điểm trung chuyển quốc tế nhộn nhịp. Trong khi đó, sân bay quốc tế Dubai (UAE) từ một bãi đáp nhỏ đã được quy hoạch đồng bộ, nâng cấp đường bay, trạm kiểm soát không lưu và “lột xác” thành sân bay đứng thứ 4 thế giới về sự “bận rộn”, phục vụ gần 1 tỷ lượt khách/năm.

Sân bay Changi, Singapore.

Để đạt được những thành quả như vậy, các nước đều từng phải giải nút thắt lớn đó là vốn. Để gỡ nút thắt này, không có cách nào khác là kêu gọi nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân thay vì coi đây là “thánh địa độc quyền” của nhà nước.

Sân bay quốc tế Queen Alia ở Jordan là ví dụ. Sân bay được xây dựng khi tốc độ tăng trưởng du lịch quá nhanh khiến sân bay quá tải. Dù biết việc nâng cấp, mở rộng hạ tầng sân bay là cần thiết nhưng chính phủ không có đủ nguồn lực. Cuối cùng, Jordan đã chọn International Finance Corporation (IFC) làm nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Sân bay này sau đó đã được ca ngợi là một thành công lớn và được công nhận là sân bay tốt nhất Trung Đông trong hai năm 2014 và 2015. 

Tại Việt Nam, chưa bàn đến việc phải có những sân bay đẳng cấp như thế giới, mà ngay tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên ở các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cùng sự thiếu vắng sân bay tại những địa bàn giàu tiềm năng du lịch đã cho thấy, việc quy hoạch, cải tạo, mở rộng mạng lưới sân bay hiện hữu là cấp thiết. 

Sân bay quốc tế Nội Bài.

Dự kiến đến năm 2030, tổng lưu lượng hành khách qua các sân bay tại nước ta sẽ đạt khoảng 275,9 triệu lượt. Từ kinh nghiệm các nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư sân bay, thu hút những doanh nghiệp có đủ nhân tài vật lực để tạo bước đột phá đưa hạ tầng hàng không tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tăng vọt của du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn