MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dư nợ cho vay bất động sản tại một số ngân hàng có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa: Minh Ánh

Dư nợ tín dụng bất động sản 2023 chiếm 21,56% tổng dư nợ của nền kinh tế

MINH ÁNH LDO | 13/11/2023 12:16

Sáng 13.11, Hội nghị về tín dụng cho thị trường bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng tổ chức, với sự tham dự của các ngân hàng có dư nợ bất động sản từ 20.000 tỉ đồng trở lên.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - cho biết, tính đến 30.9.2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với 31.12.2022, chiếm tỉ trọng 21,56% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Tính đến ngày 31.10.2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỉ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được tổ chức theo hình thực trực tuyến, tại điểm cầu trung tâm trụ sở NHNN và tại điểm cầu NHNN chi nhánh TPHCM. Ảnh: Minh Ánh.

Theo bà Giang, đối với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển mạnh, bền vững.

Thống kê tín dụng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tính đến thời điểm kết thúc giải ngân tái cấp vốn, doanh số giải ngân 20.679 tỉ đồng cho hơn 53.000 cá nhân, hộ gia đình.

Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của chương trình là 6.276 tỉ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội cũng triển khai 5 chương trình cho vay liên quan tới BĐS với tổng dư nợ 27.005 tỉ đồng, chiếm 8,71% trên tổng dư nợ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với trên 240 nghìn khách hàng đang vay vốn.

Bên cạnh đó, gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, đến nay, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ cho 3 dự án với số tiền giải ngân là 105 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bà Giang cho biết, gói tín dụng này đang gặp khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia. Ngoài ra, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các NHTM thẩm định. Do đó, việc triển khai chương trình còn chưa được như dự kiến.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng đánh giá, các giải pháp tháo gỡ khó khăn thời gian qua đã giúp cho thị trường BĐS được cải thiện, trong đó có sức khoẻ của các doanh nghiệp BĐS. Số lượng doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động tại các địa phương ghi nhận tăng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng chủ trì Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Hoàng Giáp

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đây là lần thứ 2, NHNN tổ chức hội nghị lớn phối hợp với Bộ Xây dựng, nhằm tháo gỡ khó khăn tín dụng cho thị trường bất động sản.

"Ngay từ đầu năm 2023, NHNN đã đặt mục tiêu đến cuối năm, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại giảm từ 1 đến 1,5% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, lãi suất bình quân của những khoản vay mới đã giảm khoảng 2 - 2,2%, tức là vượt kỳ vọng và mong muốn của nhà điều hành" - ông Tú cho biết.

Được biết, để có được kết quả như trên, NHNN triển khai nhiều giải pháp, đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp tiết giảm, kể cả lãi suất những khoản vay trước đây để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn