MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: Công suất đăng ký điện mặt trời quá lớn

Cường Ngô LDO | 22/02/2021 16:08
Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời và điện gió hấp dẫn, hiện nay lượng công suất đăng ký của các nhà đầu tư đã vượt xa kết quả tính toán tối ưu mở rộng phát triển nguồn điện đến năm 2030. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến tới việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền.

Các nguồn điện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, sẽ gây ra dư thừa điện lớn

Ngày 22.2, Bộ Công Thương cho biết, vừa có văn bản số 828 xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).

Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, có một điều đáng chú ý đó là việc phân bổ công suất nguồn điện giữa các vùng, tiểu vùng và tỉnh thành phố, theo dự thảo quy hoạch.

Theo đó, mặc dù cơ cấu nguồn điện tại 6 vùng đã được xác định bởi chương trình tối ưu nguồn, nhưng Quy hoạch Điện VIII nêu rõ - việc phân bổ chi tiết nguồn về các tỉnh, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do số lượng dự án năng lượng tái tạo đã đăng ký tại mỗi tỉnh hiện nay quá lớn, có thể vượt quá quy mô từ các chương trình tối ưu.

Lượng công suất đăng ký điện mặt trời của các nhà đầu tư đã vượt xa kết quả tính toán tối ưu mở rộng phát triển nguồn điện đến năm 2030. Ảnh: VGP

Theo đó, hiện nay, các nguồn điện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam sẽ gây ra dư thừa điện lớn. Đến năm 2030, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Công suất đăng ký tại Nam Trung Bộ là 38 GW, lớn hơn gấp 7 lần phụ tải tại chỗ (5 GW).

Nết tất cả các nguồn đăng ký đầu tư đều được phê duyệt thì tổng công suất nguồn điện toàn quốc sẽ đạt khoảng 220 GW (dư 162%) và năm 2045 là 150 GW (dư 47%).

Do vậy, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII - đến năm 2030 sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng. Lượng công suất nguồn còn lại có thể được xem xét phát triển trong giai đoạn 2031-2045.

Theo dự thảo quy hoạch Điện VIII, mặc dù số lượng đăng ký nguồn điện tập trung quá nhiều ở miền Trung, tuy nhiên, tổng nguồn đăng ký mới hiện nay mới đạt 162 GW trong giai đoạn 2021-2045, Hệ thống điện Quốc gia cần xây dựng bổ sung khoảng 215 GW nguồn điện. Khu vực Bắc Bộ lại có sự thiếu hụt nguồn lớn so với lượng đăng lý hiện nay, cần phải bổ sung khoảng 28,8 GW công suất nguồn điện.

Nếu không tính toán tối ưu, rất có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền

Cũng theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, do chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời và điện gió hấp dẫn, hiện nay lượng công suất đăng ký của các nhà đầu tư đã vượt xa kết quả tính toán tối ưu mở rộng phát triển nguồn điện đến năm 2030. Các dự án năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở 4 vùng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Về điện mặt trời, năm 2030, kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 1500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5500 MW, khu vực Nam Trung Bộ tính toán đạt khoảng 5200 MW nhưng đã đăng ký tới 11600 MW, khu vực Nam Bộ dự kiến đạt khoảng 9200 MW nhưng đã đăng ký 14800 MW.

Đối với điện gió, năm 2030, chương trình phát triển nguồn điện tối ưu đề xuất khu vực Tây Nguyên là 4000 MW nhưng đã đăng ký là 10000 MW, khu vực Nam Bộ đề xuất 6.800 MW nhưng đã đăng ký lên tới 17.000 MW.

“Nếu không tính toán tối ưu, một cách tổng thể, dài hạn, rất có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện và lãng phí trong đầu tư hạ tầng lưới điện, hậu quả là tổn thất lâu dài về kinh tế - xã hội”, dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn