MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch của PwC Việt Nam. Ảnh: Lan Hương

Dự thảo Thông tư 16 sửa đổi: Mở van để tiền chảy cứu thị trường trái phiếu

Lan Hương LDO | 05/04/2023 10:02
Dự thảo sửa đổi Thông tư số 16 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đang là tâm điểm chú ý trên thị trường. Giới đầu tư kì vọng Thông tư sửa đổi sẽ “mở van” cho các ngân hàng tham gia hỗ trợ thanh khoản thị trường trái phiếu.

Bình luận phân tích chuyên sâu về dự thảo Thông tư 16 sửa đổi, phóng viên Báo Lao Động đã trò chuyện với bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch của PwC Việt Nam.

Tác động của Thông tư 16 đến thị trường trái phiếu ra sao, thưa bà?

- Đây là bước đi đúng đắn. Một trong những điều cơ bản của thị trường trái phiếu Việt Nam trong nhiều năm qua là tính thanh khoản của trái phiếu. Trái phiếu khác với những khoản vay của ngân hàng chỉ có một giao dịch và thanh khoản thấp. Đối với trái phiếu, nếu ngân hàng được quyền mua lại và bán lại trái phiếu sẽ giúp tạo ra thanh khoản. Đó là kênh mới giúp doanh nghiệp phát hành và huy động vốn trên thị trường trái phiếu. So với các nước, thị trường trái phiếu của Việt Nam còn rất thấp, kém sôi động, chưa trở thành kênh thu hút vốn cho doanh nghiệp như tiềm năng đáng có.

Có ý kiến cho rằng, việc cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu được ví như “chuyển lửa” từ tay trái sang tay phải, rủi ro chuyển về ngân hàng. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng?

- Việc kiểm soát rủi ro phải làm ngay từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Có nghĩa là cần đặt ra điều kiện tiêu chuẩn minh bạch thông tin tài chính. Hãy coi ngân hàng như một nhà đầu tư. Ngân hàng chỉ mua trái phiếu khi họ thấy việc mua trái phiếu đem lại lợi nhuận.

Tôi nghĩ câu chuyện ở đây không phải chuyển rủi ro từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác. Bản thân ngân hàng là định chế tài chính có công cụ để tính toán rủi ro. Để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu Việt Nam cần kiểm soát và có những biện pháp kiểm soát từ những doanh nghiệp phát hành trái phiếu. 

Dự thảo cho biết, ngân hàng có thể mua trái phiếu doanh nghiệp cho mục đích vốn lưu động, nhưng trái phiếu thường là kì hạn dài, còn vốn lưu động là kì hạn ngắn. Bà bình luận gì về quy định này?

- Vốn lưu động thường kì hạn dưới 12 tháng. Lưu động tức là khi cần tiền thì doanh nghiệp có thoả thuận với ngân hàng cấp hạn mức khi cần có thể vay trong 5 - 6 - 10 tháng.

Trong khi đó, kì hạn trái phiếu phát hành thời hạn dài trên 5 năm, để huy động vốn cho các dự án lớn. Do chi phí phát hành lớn nên các trái phiếu kì hạn dưới 5 năm thường không hiệu quả. 

Nếu chỉ cho ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp cho mục đích vốn lưu động thì đây là bài toán khó. Như vậy, ngân hàng phải đi tìm hiểu nguồn gốc, mục đích doanh nghiệp phát hành trái phiếu như thế nào. Thông thường thị trường trái phiếu, vấn đề mà nhà đầu tư chỉ quan tâm thanh khoản bao nhiêu, lãi suất bao nhiêu, tính thanh khoản như thế nào chứ không ai xem mục đích với từng khoản trái phiếu.

Làm thế nào để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, thưa bà?

- Điều đáng quan tâm nhất ở thị trường trái phiếu hiện nay là chất lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cần có quy định yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu minh bạch tài chính như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Hàng năm, doanh nghiệp cần công bố báo cáo tài chính và mục đích sử dụng vốn để nhà đầu tư có thể nhìn vào dòng tiền và hiệu quả dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn