MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần điều tiết nông sản từ vùng đang bị ùn ứ cung cấp cho người tiêu dùng TPHCM. Ảnh minh họa: Tấn Thanh

Dư thừa triệu tấn nông sản, làm sao đưa được đến người tiêu dùng?

Vũ Long LDO | 24/08/2021 13:13

1,5 triệu tấn rau củ, 1,7 triệu tấn trái cây cùng nhiều nông sản khác tại các tỉnh phía Nam đang dư thừa, cần tiêu thụ.

Nguồn cung ổn định, thiếu đầu ra do dịch bệnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn rất dồi dào, đặc biệt là tại các vựa nông sản của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.

Hiện tại, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động. Tổng sản lượng thịt lợn của khu vực Nam Bộ khoảng 4.200 tấn/ngày; trong tháng 9 là 120.000 tấn. Về thịt gia cầm, tổng sản lượng của khu vực Nam Bộ trong tháng 9 là 50.000 tấn. Tổng sản lượng thịt bò của khu vực Nam Bộ khoảng 348,3 tấn/ngày, trong tháng 9 có khoảng 10.000 tấn. Về trứng gia cầm, có khoảng 19,6 triệu quả/ngày, trong tháng 9 khoảng 590 triệu quả. 

Tổng sản lượng 13 cây ăn quả chính vùng Nam Bộ từ tháng 9-12.2021 là 1.744,6 nghìn tấn. Dự kiến tổng sản lượng tháng 9 toàn vùng là 405,9 nghìn tấn. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch khi có gần 400 nghìn tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và gần 1.300 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12.2021 nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

Tại các tỉnh phía Nam, tổng sản lượng rau các loại rau cung ứng từ tháng 8-12.2021, khoảng 3.180 nghìn tấn. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là 698 nghìn tấn và đồng bằng sông Cửu Long là 2.481 nghìn tấn. Như vậy, ngoài 158 nghìn tấn cung ứng cho nhu cầu rau của vùng Đông Nam Bộ bị thiếu, khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gần 1.500 ngàn tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Điều tiết từ vùng thừa sang vùng thiếu

Theo khảo sát của Tổ Công tác 970 của Bộ NNPTNT, tổng nhu cầu về thịt tại 3 địa phương đang bị dịch COVID-19 nặng là TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai là 67.900 tấn/tháng (TPHCM: 48.000 tấn/tháng; Bình Dương 8.800 tấn/tháng; Đồng Nai: 11.100 tấn/tháng).

Trong khi đó, tổng sản lượng cung ứng thịt của các tỉnh Nam Bộ là 200.000 tấn/tháng, trong đó Đồng Nai 30.000 tấn/tháng (lợn, gà, vịt); Bình Dương 14.000 tấn/tháng (lợn, gà); Bình Phước, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh 15.000 tấn/tháng…

Như vậy, xét về năng lực tự cung ứng, TPHCM rất cần sự bổ trợ nông sản, thực phẩm từ các địa phương khác hiện đang thừa ứ.

Cung ứng nông sản cho người lao động nghèo tại TPHCM. Ảnh: Cao Trần

Về các loại nông sản khác, xét trên diện rộng, năng lực sản xuất, các tỉnh phía Nam hoàn toàn tự chủ. Tuy nhiên, cần có sự điều tiết từ tỉnh thừa sang tỉnh thiếu. Tránh tình trạng rau xanh, trái cây, thịt gia cầm ở nhiều nơi khác “rẻ như cho”, thậm chí phải đổ bỏ do không tiêu thụ được, trong khi tại TPHCM giá rau củ bị thổi "trên trời", thậm chí tại nhiều khu vực người tiêu dùng TPHCM không mua nổi rau ăn lá.

Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình dịch bệnh rất khó lường. Về nguồn cung nông sản, thực phẩm không đáng lo ngại, nhưng vấn đề quan trọng là phải đưa được đến tay người tiêu dùng.

Sau một thời gian kết nối, đến nay đã có tổng 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác 970, trong đó có 334 đầu mối rau củ; 316 đầu mối trái cây; 438 đầu mối thủy, hải sản; 75 đầu mối lương thực và 55 đầu mối các mặt hàng khác. Đây là nỗ lực của Tổ công tác, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì chỉ đạt được một phần rất nhỏ.

“Tổ công tác đang thí điểm gói combo 10kg/túi nông sản, được nhiều tỉnh, thành tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ tại tỉnh và giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ bình quân 10.000 đồng/kg” – ông Trần Cao – Thư ký Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, cho biết.

Với hình thức này, khả năng cung cấp về TPHCM khoảng 80.000 túi/tuần, tương đương 800 tấn/tuần. Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cấp của 1.200 đầu mối theo hình thức combo 10kg/túi có khả năng đạt khoảng 1.200-1.500 tấn/tuần. Bằng hình thức này, có thể vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các vùng thừa ứ, bổ sung thực phẩm cho những vùng thiếu hụt nông sản bởi giãn cách xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn