MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều chỉnh ngày 1.6 tới.

Dự trữ rất yếu, giá xăng thiết lập các kỷ lục mới cũng là bình thường

Nhóm PV LDO | 31/05/2022 11:14

Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Bắc Giang, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, giá xăng dầu có tiếp tục tăng, tiếp tục thiết lập các kỷ lục mới thì cũng là điều bình thường. Nhưng nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì lúc bấy giờ cần có các giải pháp cần thiết. 

Không thể giá thế giới tăng một, giá trong nước cũng tăng một

Theo dự báo của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày mai (1.6) tiếp tục tăng, có thể vượt ngưỡng 31.000 đồng mỗi lít. Giá xăng dầu tăng cao gây áp lực rất lớn đối với nền kinh tế, làm sao để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, thưa ông?

- Việc kiểm soát giá xăng dầu là nội dung đặc biệt quan trọng mà Chính phủ, Bộ Công Thương - Tài chính quan tâm. Kiểm soát được đà tăng của giá xăng dầu thì mới kiểm soát được lạm phát, chỉ số CPI, bởi xăng dầu là mặt hàng nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế.

Mặt hàng xăng dầu, mặc dù điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng không có nghĩa rằng, giá thế giới lên một, thì giá trong nước cũng lên một. Bộ Công Thương phải cố gắng điều hành xăng dầu làm sao để giá có biên độ giao động nhỏ, đảm bảo ổn định cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và trong phạm vi kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Để "hạ nhiệt" giá xăng, chúng ta có các công cụ, đó là Quỹ bình ổn xăng dầu, công cụ thuế phí. Công cụ nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương giải quyết được, cần làm ngay; còn nếu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ cũng cần sớm tham mưu, kiến nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, quyết định. 

Những kỳ điều chỉnh gần đây, nhà điều hành thường xuyên trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng quỹ này tại nhiều doanh nghiệp vẫn âm rất sâu. Đó là lý do, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã tính đến phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Ông thấy phương án này có khả thi?

- Chúng ta kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa giữ giá xăng dầu ở mức thấp. Vì nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và giá xăng dầu thế giới - sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu xăng dầu. Có nghĩa là, xăng dầu của chúng ta nhập về, rồi chảy ngược lại ra nước ngoài. Trong khi Chính phủ lại phải bù lỗ cho việc nhập xăng dầu như vậy.

Việc chênh lệch giá quá lớn giữa xăng dầu trong nước và xăng dầu thế giới cũng không đảm bảo yếu tố cạnh tranh của thị trường tự do. Hệ quả khiến chúng ta phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp... thị trường Việt Nam sẽ bị đánh giá không vận hành theo đúng cơ chế thị trường. 

Về dài hạn, giá xăng dầu có tiếp tục tăng, tiếp tục thiết lập các kỷ lục mới thì cũng là điều bình thường. Nhưng nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì lúc bấy giờ cần có các giải pháp cần thiết. Và kiểm soát giá xăng dầu thế nào để giá mặt hàng này không tăng quá cao, tăng liên tục, vượt qua sức chống chịu của nền kinh tế, của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu mà các cơ quan có thẩm quyền hướng đến.

Đại biểu Trần Văn Lâm. Ảnh: Quochoi 

Giá xăng dầu của Việt Nam ở đâu trên "bản đồ" giá xăng dầu thế giới, thưa ông?

- Chúng ta không thể so với những quốc gia không có xăng dầu như Lào, Campuchia; cũng không thể so với những quốc gia "đế chế" xăng dầu như Ả Rập Xê Út, Iraq, Iran… Giá xăng của Việt Nam hiện đang ở mức trung bình cao.

An ninh năng lượng quốc gia không chỉ trông chờ vào một Nghi Sơn

Giá xăng dầu tăng cao như vậy, trách nhiệm, vai trò điều hành của Bộ Công Thương như thế nào? Và đến thời điểm hiện tại, câu chuyện nguồn cung xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn còn bỏ ngỏ, liệu chúng ta có thiếu nguồn cung?

- Điều hành xăng dầu trong thời gian vừa qua tương đối phù hợp. Tất nhiên ở giai đoạn trước đây còn nhiều lúng túng khiến nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy.

Còn nhìn vào Nghi Sơn, chúng ta không quá quan ngại, bởi Nghi Sơn cũng chỉ là một nguồn cung thôi, trong khi thị trường thế giới là mênh mông. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chúng ta đã hội nhập sâu rộng, cho nên không ai cấm nhập khẩu xăng dầu cả. 

Chẳng qua, trong thời gian qua, chúng ta cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp sản xuất trong nước có sự đầu tư của nước ngoài. Còn đứng trên khía cạnh đáp ứng nguồn cung đầu vào thì không có Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thì ta nhập chỗ khác. Nghi Sơn cũng nhập dầu thô của nước ngoài.

Về giá, không phải có Nghi Sơn thì giá giảm, Nghi Sơn bán cho các doanh nghiệp đầu mối cũng theo giá thế giới. An ninh năng lượng quốc gia không chỉ trông chờ vào một Nghi Sơn. An ninh năng lượng quốc gia phụ thuộc chính vào dự trữ của quốc gia, dự trữ của doanh nghiệp.

Nếu như chúng ta dự trữ tốt thì cũng có công cụ "chống sốc" từ bên ngoài. Nhưng hiện nay, dự trữ xăng dầu quốc gia khá mỏng, sự đầu tư của nhà nước có cần thiết không?

- Rất cần thiết. Dự trữ quốc gia của chúng ta về xăng dầu rất yếu, vấn đề này, chúng tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Hiện nay, dự trữ xăng dầu quốc gia bị trộn lẫn với dự trữ của doanh nghiệp; không có kho riêng của quốc gia về dự trữ xăng dầu. Đó là yếu tố không thật sự an toàn.

Hiện nay, tỉ lệ dự trữ xăng dầu của chúng ta chỉ có vài tuần,  tới đây cần tăng cường nguồn dự trữ lên. Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, có một vấn đề khó là ngân sách của chúng ta hạn hẹp, nhiều khoản cần phải chi, nên cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Nhưng dù thế nào cũng cần phải dự trữ xăng dầu quốc gia thì mới đảm bảo an toàn.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn