MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện việc dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản với 4 doanh nghiệp. Ảnh: PLX

Dự trữ xăng dầu quốc gia không nên giao cho doanh nghiệp

Cường Ngô LDO | 14/12/2023 06:00

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, giao việc dự trữ xăng dầu quốc gia cho các doanh nghiệp là điều bất hợp lý. Bởi khi kiểm tra, Bộ Công Thương rất khó làm rõ được việc có dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu.

Trước khi có đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia về Bộ Tài chính, hiện nay lĩnh vực này vẫn do Bộ Công Thương quản lý, gửi nhờ kho của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bởi dù đã có quy định hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng, nhưng đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa tổ chức được việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Bộ này đưa ra lý do chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước, cũng chưa có quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia. Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu.

Việc để hàng dự trữ quốc gia tại kho của doanh nghiệp hiện nay cũng không còn phù hợp.

Trao đổi với Lao Động ngày 13.12, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu mối là điều bất hợp lý.

Bởi khi kiểm tra các đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương rất khó làm rõ được việc có dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ bắt buộc của mình hay không, điều này nhiều khi vẫn là ẩn số.

Do vậy, ông Phú cho rằng, cần sớm có cơ chế tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối. Lúc ấy, thị trường xăng dầu sẽ vận hành trơn tru hơn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Lâm Đồng, cho Lao Động biết, đây chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có cơ quan dự trữ quốc gia chuyên nhiệm. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời kéo dài quá lâu dẫn đến việc đảm bảo dự trữ quốc gia không được thực hiện đúng đắn và triệt để.

Do đó, ông Thắng cho rằng, cần bãi bỏ yêu cầu dự trữ xăng dầu quốc gia cho doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối.

Đồng thời, tăng trách nhiệm đảm bảo dự trữ lưu thông, đảm bảo thị trường cho doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối để thị trường xăng dầu được vận hành một cách khách quan, công bằng và nhân văn.

Theo quy định pháp luật là Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu (đã được sửa đổi bởi Nghị định 80), doanh nghiệp đầu mối phải bảo đảm dự trữ lưu thông 20 ngày, nhưng thực tế có nhiều doanh nghiệp chỉ được 6,5 ngày. Vì không dự trữ đầy đủ, không có nguồn lực hạ tầng để dự trữ, hệ luỵ là xảy ra tình trạng đứt nguồn cung cục bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh, để các doanh nghiệp đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ xăng, dầu rất khó, bởi cần nguồn lực tài chính lớn trong khi thường gặp khó khăn khi đi vay vốn.

"Lợi nhuận kinh doanh xăng, dầu rất “mỏng”, trong khi rủi ro rất cao. Mặt hàng xăng, dầu nếu một vài ngày không bán được là lỗ, rất khắc nghiệt. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu mấy năm nay gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Đức Hạnh nói.

Do vậy, ông Hạnh cho rằng, Nhà nước nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản ban hành 2 luật dự trữ và luật giám sát chất lượng. Đồng thời, Nhà nước nên đầu tư dự trữ hệ thống xăng dầu - bảo đảm mạch máu của nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn