MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dạy trẻ em về chi tiêu thông minh và kiểm soát tài chính từ bé sẽ giúp trẻ vững vàng khi lớn. Ảnh: Lan Hương.

Dùng công nghệ để dạy con tiêu tiền thông minh

Lan Hương LDO | 24/06/2023 13:00

Dạy con về giá trị đồng tiền, giáo dục tài chính càng sớm thì khi lớn lên trẻ sẽ vững vàng trong quản lí tài chính cá nhân, biết tiết kiệm và có cuộc sống ổn định. Hiện nay không chỉ là bố mẹ cầm tay chỉ việc, dạy con cách chi tiêu đúng, các ngân hàng đang có những app di động giúp bố mẹ dạy con quản lí túi tiền, tích góp và học cách chi tiêu.

Cho trẻ tự quản lí túi tiền

Bé Hà My (8 tuổi) học tiểu học Archimedes (Hà Nội) đã tự biết tiết kiệm để mua món đồ yêu thích. Không như một số bé cùng tuổi, Hà My được người lớn khen vì không mè nheo hay khóc đòi món đồ chơi yêu thích mà tự biết tiết kiệm dần và lên kế hoạch trong bao lâu sẽ tiết kiệm đủ tiền để mua món đồ chơi đó.

Phỏng vấn mẹ của Hà My, chị Lan Mai cho biết: “Tôi cho phép con giữ toàn bộ tiền mừng tuổi, hướng dẫn con cách tiết kiệm và chi tiêu thế nào là hợp lí. Tôi cũng khuyến khích con bằng cách nếu đạt danh hiệu học sinh giỏi hay hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, sẽ được thưởng bằng tiền. Nếu con muốn mua một món đồ chơi hay đóng tiền học, con cần biết tiết kiệm trong khoảng thời gian”.

Nói về tầm quan trọng của việc dạy các kĩ năng quản lí tiền cho trẻ em, ông Nishith Baldevdas - Nhà sáng lập Shree Financial - cho biết: “Tiền không mọc trên cây và không có gì miễn phí trong cuộc sống. Để phát triển, chúng ta cần quản lí nó đúng cách".

Theo các chuyên gia của Mỹ, việc nói chuyện về các vấn đề tài chính với con ít nhất một lần/tuần là bước đầu tiên để giúp trẻ có ý thức về chuyện tiền bạc.

Theo các chuyên gia tài chính cá nhân, có thể bắt đầu dạy trẻ những kiến thức cơ bản nhất về tài chính từ khi con 6 tuổi.

Giáo dục về tài chính cho trẻ em là dạy cho các bé từ cái niệm cơ bản nhất như: Tiền là gì? Làm thế nào để có tiền? Làm thế nào để chi tiêu hiệu quả và ý nghĩa. Dạy trẻ những giá trị liên quan đến tiền bạc như sự chia sẻ, giúp đỡ hay làm từ thiện. Dạy trẻ biết chi tiêu một cách hợp lí, biết tích lũy và thậm chí biết đầu tư…

Với những trẻ hay vòi vĩnh thì bố mẹ nên dạy con về sự đánh đổi. Ví dụ, con muốn mua đồ chơi ngay, thì năm sau mới có thể mua quần áo mới. Số tiền trong ngân sách của con chỉ được một trong hai thứ. Bố mẹ nên dạy cho con phải lựa chọn chứ không nên lúc nào cũng chiều theo ý muốn của con.

Dạy con cách tiết kiệm, chịu trách nhiệm với quyết định chi tiêu

Dạy con độc lập chi tiêu, mua sắm và quản lí tiền là một kĩ năng mềm quan trọng cần giáo dục trẻ từ sớm.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo khối Ngân hàng bán lẻ BIDV cho biết: “Giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng nằm trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Nhận thức được vai trò quan trọng đó và đón đầu xu hướng dân số trẻ, nhanh chóng hội nhập và làm quen với công nghệ, ngân hàng đã phát triển sản phẩm Smart Kids trên ứng dụng điện thoại di động. Đây vừa là ứng dụng giao dịch ngân hàng, vừa là một công cụ giáo dục tài chính trực quan sinh động giúp cha mẹ dạy con chi tiêu, quản lí tài chính, đồng thời, vừa giúp bố mẹ kiểm soát chi tiêu của các con, vừa đồng hành hướng dẫn con trẻ làm chủ tài chính trong tương lai”.

Khảo sát của Mỹ cho thấy, có tới khoảng 51% trẻ được khảo sát cho biết, sẽ tiêu tiền ngay khi nhận bất kì khoản tiền nào từ bố mẹ. Các chuyên gia gợi ý cách để dạy là cho con lựa chọn giữa việc nhận tiền ngay hoặc tiết kiệm thêm một khoản nữa sẽ nhận được tiền lãi.

Ông Bill Engel - nhà hoạch định tài chính cá nhân cho Công ty Fort Pitt Capital Group: “Đồ chơi mới, tiền đi chơi với bạn bè, xe đạp mới, trẻ phải làm việc, tiết kiệm và tính toán việc chi tiêu của bản thân. Điều này giúp chúng ý thức giá trị đồng tiền, học cách tiêu tiền thận trong khi rời vòng tay cha mẹ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn