MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng nhiều năm chưa có phương án tối ưu để sửa chữa. Ảnh: GT

Dùng công nghệ Mỹ để sửa mặt cầu Thăng Long

Minh Hạnh LDO | 29/11/2019 14:23
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Nguyễn Văn Huyện, phương án công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đã được trình Bộ Giao thông Vận tải và sẽ là công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đơn vị này đã nghiên cứu nhiều phương án sửa chữa mặt cầu trên thế giới và hiện đã trình Bộ Giao thông Vận tải phương án hàn các bulông treo trên mặt sắt và sẽ đổ khoảng 6-7cm bê tông sợi lên bề mặt. Đây là công nghệ của Mỹ,hiện đã thực hiện tại Trung Quốc khoảng 10 cầu và là công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Cũng theo ông Huyện, qua nghiên cứu đánh giá năng lực thực tế các nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể thi công được và chỉ phải nhập một số thiết bị đặc thù. Tổng cục Đường bộ hiện đã trình Bộ Giao thông thẩm định xong và sẽ tiến hành khảo sát thiết kế, kiểm định rồi tiến hành thi công dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành việc thi công. Dự kiến tổng mức đầu tư từ 180-200 tỉ đồng và sẽ được đấu thầu công khai rộng rãi.

Năm 2009, cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lóp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bêtông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bêtông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng. Để giải quyết hư hỏng trên, năm 2013, Bộ Giao thông đã thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bêtông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bêtông nhựa polyme. Nhưng chỉ sau một thời gian, có nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành.

Từ năm 2016 đến nay, Cục Quản lý đường bộ 1 tổ chức duy tu bảo dưỡng thường xuyên đã sửa chữa cục bộ các vị trí bêtông nhựa bị trượt, xô dồn, ổ gà để đảm bảo giao thông nhưng chỉ đươc một thời gian gắn lại bị hư hỏng. Tổng cục đã liên hệ với chuyên gia của Cộng hòa Liên bang Nga trực tiếp xây dựng cầu Thăng Long trước đây (Công ty SK MOST), gửi các tài liệu nghiên cứu của Tư vấn KEI và mời sang Việt Nam để khảo sát thực tế và trao đổi kinh nghiệm, giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Nhưng đến nay SK MOST chưa có văn bản trả lời chính thức về thực hiện sửa chữa cầu Thăng Long và Tổng cục Đường bộ thống nhất với đề xuất của Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga về việc loại dự án này khỏi danh sách ưu tiên.

Tháng 7.2019, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về sửa chữa mặt đường ôtô trên cầu Thăng Long, với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng và đề xuất lấy nguồn tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.

Ngày 12.8.2019, vừa qua tại buổi kiểm tra mặt cầu Thăng Long Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, đã yêu cầu khảo sát thật kỹ, từ đó đề ra các giải pháp hợp lý nhất để sửa chữa, cải tạo cơ bản toàn bộ mặt cầu Thăng Long đồng thời cũng giao Tổng cục Đường bộ thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời các hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông qua cầu Thăng Long trong thời gian chờ khắc phục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn