MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dựng hàng rào “chặn” xe nhập: Liên doanh xe than khó, hải quan “xin” hướng dẫn

Khánh Hoà LDO | 03/11/2017 07:00

Sau cơn choáng váng do nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ôtô được Thủ tướng ký ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày ký, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã gửi kiến nghị khẩn thiết “kêu khó” trong lúc cơ quan hải quan cũng gửi kiến nghị xin hướng dẫn vì có Nghị định mà còn thiếu thông tư.

Theo đó, VAMA cho rằng đã có nhiều kiến nghị và góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định nhưng nội dung ban hành không phản ánh được các kiến nghị nói trên và hoạt động kinh doanh của các thành viên VAMA sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới. 

Liên quan tới việc phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, VAMA nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng với tất cả các thành viên VAMA vì giấy chứng nhận này không tồn tại ở nhiều quốc gia vì các quốc gia này áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận hoặc có cấp giấy thì hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống ở Việt Nam. Do đó, VAMA lo ngại Cục đăng kiểm sẽ không chấp nhận và ở thời điểm nghị định có hiệu lực các xe nhập từ các đơn hàng trước đó sẽ bị ùn tắc lại ở cảng.

Theo VAMA, vướng mắc trong thực hiện các quy định mới trong thời gian quá ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng, đến hoạt động của DN và nguồn thu ngân sách. VAMA đề xuất thêm lựa chọn làm thủ tục kiểm tra, thử nghiệm bởi Cục đăng kiểm thay vì chỉ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp.

Liên quan tới quy định kiểm tra từng lô xe nhập khẩu, VAMA cho rằng quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và lãng phí chi phí của xã hội. Chẳng hạn, việc thử nghiệm một mẫu xe có thể kéo dài đến 2 tháng và chi phí lên đến 10.000 USD cho việc thử khí thải Euro4 trong khi các xe khác cùng lô buộc phải lưu kho tại cảng và có thể khiến các cảng bị quá tải. Quy định này cũng làm cho các thành viên VAMA tốn thêm các chi phí không cần thiết cho việc chuẩn bị địa điểm để lưu giữ xe và không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49 về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. VAMA đề xuất chấp nhận các báo cáo thử nghiệm khí thải và an toàn hiện tại mà không thử nghiệm lại.

Không chỉ kêu về các quy định nhập xe, VAMA còn than khó với yêu cầu mới về chiều dài đường thử với chiều dài tối thiểu 800m và tối thiểu 400m đường thẳng vì quy định này sẽ buộc các liên doanh xe phải tìm thêm đất, đầu tư cho việc xây mới đường thử mới hoặc mở rộng đường thử.

Về phần mình, Cục Hải quan TP.HCM gửi bằng văn bản lên Tổng cục Hải quan xin hướng dẫn vì không biết phải thực hiện như thế nào đối với một số quy định tại Nghị định 116 trong khi chờ Bộ Công Thương và Bộ GTVT ban hành thông tư mới có hướng dẫn thực hiện. 

Cụ thể, với các lô hàng xe nhập khẩu là ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu trước thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực, hiện tại ở các chi cục hải quan cửa khẩu vẫn còn lưu kho xe ôtô dạng này chưa làm thủ tục do vướng về chứng từ bổ sung cho hải quan, hay Giấy chứng nhận VIN của nhà sản xuất và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, hải quan TP.HCM đề nghị Tổng cục Hải quan có ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ.

Nghị định 116 được ban hành ngày 17.10 và có hiệu lực ngay với nhiều quy định mới siết chặt hơn về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ôtô trong đó quy định mỗi DN nhập khẩu ôtô phải sở hữu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng và từng lô hàng nhập sẽ bị kiểm định, thử nghiệm. Bên cạnh đó, còn có yêu cầu giấy xuất xứ chính hãng, sở hữu trí tuệ trong các máy móc chuyên dụng của hãng xe đối với đại lý, doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn