MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một chai nước hoa được dán nhãn 2.750.000 đồng nhưng được một hot facbooker bán với giá 300.000 đồng, sau đó người mua đã khẳng định đó là nước hoa giả. Ảnh: NVCC

Dùng livestream trên Facebook bán hàng giả, hàng nhái

LONG NGUYỄN LDO | 10/09/2019 15:24

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết: Tình trạng kinh doanh hàng giả, nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày một tinh vi, xảo quyệt trên không gian mạng. Phần lớn đối tượng bán hàng giả, nhái trên mạng xã hội đều không có địa điểm, trụ sở cố định nên việc tìm kiếm điểm kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người bán hàng trên mạng (tạm gọi chủ shop online) hòng câu khách đã lạm dụng tính năng phát trực tiếp (livestream) trên Facebook như một “gian kế” hữu hiệu nhằm bán hàng giả, nhái, kém chất lượng.

“Miễn còn có người tin, là còn bán được hàng”.

Cũng cần nhắc lại: Việc lợi dụng Facebook để bán hàng giả, nhái, kém chất lượng chẳng còn là chuyện mới mẻ: Sản phẩm rao bán trên mạng thì đẹp lung linh, công dụng được “nổ” như thần như thánh, nhưng trên thực tế, món hàng sau khi mua chẳng khác gì hàng mã, dùng vài bữa đã hỏng hóc... khiến người tiêu dùng nhiều phen tức - ức vì bị lừa.

Trên bình diện chung, Facebook đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh tay như tìm cách gắn thẻ những doanh nghiệp/đơn vị bị nhiều phản ánh là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ không đạt chuẩn, đặc biệt, đưa vào hệ thống nhận diện đặc điểm của các thương hiệu nổi tiếng.

Theo đó, bài viết từ kênh bán hàng nhỏ lẻ mà chứa hình ảnh hoặc ký tự là những thương hiệu nổi tiếng sẽ lập tức bị báo cáo về hệ thống. Tại đây máy tính sẽ phân tích xem nội dung có vi phạm bản quyền thương hiệu hay không trước khi quyết định cấp quyền chạy quảng cáo. Cũng chính bởi chính sách đó mà tại Việt Nam, nhiều chủ shop online đã buộc phải sử dụng thủ thuật kiểu cách chữ, dùng ký tự đặc biệt hoặc làm mờ logo thương hiệu sản phẩm mới có thể đăng được bài quảng cáo bán hàng.

Vậy nhưng, Nguyễn Thanh Tuấn - một người lọc lõi trong giới bán hàng online, lại cảm thấy “không vấn đề gì” với những trở ngại trên. Khi được hỏi, anh này đáp: “Vấn đề ở chỗ cũng năm 2016, ứng dụng livestream ra đời đã làm thay tất cả. “Nó” thì không phân biệt được đâu với đâu, không bị kiểm duyệt. Mình muốn nói gì thì nói. Miễn còn có người tin là mình còn bán được hàng”.

Là chỗ quen biết, Tuấn đồng ý cho PV chứng kiến một buổi bán nước hoa thông qua ứng dụng phát trực tiếp từ facebook. Nước hoa Tuấn bán là hàng nhái đủ các thương hiệu nổi tiếng nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, giá rất rẻ, chỉ từ vài chục đến dưới 100 nghìn đồng/chai. Nhưng với khách hàng trên facebook, những sản phẩm này “lột xác” thành hàng xịn, hàng authentic (chính hãng), nhưng “vì đang vui” nên “sale sập sàn”…

“Giá nước hoa thật và nhái có thể chênh nhau từ 10 hoặc 20 lần. Do đó, nếu bán với giá chính hãng cũng chẳng bán được, nên thôi cứ mang lên đây bán gấp 3 gấp 4 lần giá gốc là vẹn toàn cả đôi đường, vừa tiết kiệm cả chi phí thuê mặt bằng, cũng chẳng sợ bị cơ quan chức năng nhòm ngó...” - Tuấn vừa chuẩn bị đồ nghề cho buổi livestream vừa giảng giải.

Người đàn ông thử nước hoa giá 300.000 đồng và khẳng định đó là nước hoa giả. Ảnh: NVCC

Người tiêu dùng Việt Nam đang quá dễ dãi

Tuấn khởi động buổi bán hàng bằng việc cởi trần trùng trục, to son vẽ phấn như chú Tễu đồng thời nhảy nhót trên nền nhạc, hô hào người xem chia sẻ clip vào đủ 5 nhóm sẽ được tặng 1 chai nước hoa mini. Thế nhưng phải đến cả chục người thực hiện theo yêu cầu, Tuấn mới ngẫu nhiên chọn ra 1 người để tặng.

Chỉ một loáng, buổi live của Tuấn đã có tới hơn 100 người xem cùng lúc. Con số quá hời cho việc bỏ ra chỉ khoảng 500.000 đồng (tương đương 10 chai nước hoa mini) để “rắc thính”. Đây cũng là lúc Tuấn bắt đầu với chiêu bài tủ của mình. Cầm trên tay một chai nước hoa hiệu Bleu de Chanel loại 100ml đựng trong chiếc hộp móp méo, mặt mũi Tuấn nhăn nhó ra chiều tiếc nuối, cam kết rằng đây là hàng xịn 100%, giá thị trường tới trên 3 triệu đồng, đồng thời quét mã QR để chứng minh hàng của mình là chính hãng nhưng do bị lỗi hộp nên đành mang lên facebook bán tháo khoán cho 5 người may mắn nhất với giá “sập sàn”. Sau nhiều lần nâng nên đặt xuống, Tuấn chốt mức giá “yêu thương” là 600.000 đồng.

Chẳng mấy chốc, lượng người để lại thông tin hòng được mua hàng đã tới vài chục người. Tuấn sau khi điểm qua 5 cái tên, lại tiếp tục “mở lòng” bán thêm 5 sản phẩm nữa cũng với mức giá “yêu thương”. Tổng cộng trong buổi livestream kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ đó, Tuấn đã chốt được 10 đơn hàng.

Đa phần những chủ shop online như Tuấn đều lựa chọn ứng dụng livestream để bán hàng mà chẳng lo bị ai kiểm soát. Mô típ bán hàng thì cũng giống như cách Tuấn đã thể hiện và cho đến nay, vẫn luôn trót lọt, bán hàng đắt như tôm tươi vì người tiêu dùng Việt Nam đang quá dễ dãi, và luôn ảo tưởng vào những sản phẩm hàng xịn mà giá rẻ...

Theo Cục Quản lý Thị trường Hà Nội: Để xử lý việc lạm dụng Livestream trên Facebook bán hàng giả, nhái, kém chất lượng, đầu tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông thái. Với với trách nhiệm của mình, lực lượng QLTT đã và đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát cụ thể. Ngoài ra còn kết hợp với Cục thương mại điện tử (Bộ Công Thương) và cơ quan công an để thực hiện kiểm tra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn