MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nay đa phần khách hàng tìm đến bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ. Ảnh: Đức Mạnh

Đừng mua bảo hiểm nhân thọ nếu chưa hiểu đúng chức năng cốt lõi

Đức Mạnh LDO | 21/04/2023 12:10

Xuyên suốt lịch sử từ khi hình thành đến nay, bảo hiểm nhân thọ không tách rời khỏi chức năng cốt lõi là bảo vệ và hỗ trợ tài chính kịp thời, đúng lúc.

Bảo hiểm là sản phẩm bảo vệ

Những năm 1600, thương mại hàng hải phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, kéo theo nhu cầu mua bảo hiểm cho tàu thuyền và hàng hoá của các thương gia để bảo vệ khỏi thiên tai, cướp biển. William Gybbon - một vị thuyền trưởng ở Anh đã yêu cầu công ty bảo hiểm cung cấp thêm hợp đồng bảo hiểm bảo vệ tính mạng của mình trước những rủi ro đó. Bảo hiểm nhân thọ từ đây ra đời với vai trò chính là bảo vệ con người trước những biến cố bất ngờ.

Đến năm 1706, công ty đầu tiên trên thế giới cung cấp bảo hiểm nhân thọ được thành lập tại London (Anh). Sang những năm 1800, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dần được đón nhận rộng rãi trên thế giới khi hướng đến người được bảo hiểm là trụ cột kinh tế gia đình.

Kể từ đó cho đến nay, bảo hiểm nhân thọ dần khẳng định tầm quan trọng của mình không chỉ với người trụ cột mà còn mọi đối tượng: Người sắp về hưu, gia đình có con nhỏ hoặc bất cứ ai có nhu cầu tham gia bảo hiểm để được bảo vệ trước những rủi ro.

Giai đoạn 1995 - 1999, Việt Nam xuất hiện những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên. Các chuyên gia luôn nhấn mạnh, bảo hiểm nhân thọ không thể vượt khỏi chức năng bảo vệ. Vai trò tất yếu của bảo hiểm nằm trong lớp tài sản phòng vệ, vì thế nếu mong muốn sinh lời từ kênh này, người mua cần rất tỉnh táo.

Theo thời gian, thu nhập bình quân đầu người tăng, không chỉ mức sống của người dân mà cả nhận thức tài chính cũng được cải thiện. Rất nhiều người có ý thức quản trị rủi ro và nhu cầu bảo vệ tài chính tăng lên đáng kể. Mọi người cởi mở hơn, dễ dàng hiểu và chấp nhận việc mất đi chi phí rủi ro hàng năm để nhận về khoản bồi thường hợp lý khi có sự kiện bảo hiểm.

"Tôi cho rằng, hiện nay đa phần khách hàng tìm đến bảo hiểm để bảo vệ. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm không dễ dàng từ bỏ “miếng bánh” tích lũy trong hợp đồng vì đây là một kênh huy động vốn dài hạn và an toàn" - bà Nguyễn Thu Giang - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - chia sẻ với Lao Động.

Lá chắn bảo vệ toàn diện

Xây dựng kế hoạch bảo hiểm là đặt trong kế hoạch tài chính cá nhân tổng thể. Trong tình huống mất thu nhập sẽ cơ cấu tài chính trên cả danh mục tài sản chứ không riêng gì bảo hiểm. Do đó để có sự bảo vệ toàn diện, TS Trịnh Thị Phan Lan - Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, sự bảo vệ toàn diện sẽ tới từ việc phối hợp 3 loại bảo hiểm sau.

Cụ thể, bảo hiểm y tế nên có hàng năm. Chúng ta có thể mua riêng bảo hiểm y tế hoặc mua bảo hiểm nhân thọ có tích hợp các bệnh hiểm nghèo. Bảo hiểm nhân thọ nên mua càng sớm càng tốt, khi đó chi phí sẽ thấp và thời gian bảo vệ dài hơn. Còn bảo hiểm hưu trí nên mua trước thời điểm nghỉ hưu từ 10 - 20 năm, nhưng cũng càng sớm càng tốt để có một tuổi già an toàn tài chính.

"Về cơ bản, nếu không tính tới tài sản thừa kế, chỉ tính thu nhập hiện tại thì phần tài chính dành cho bảo hiểm nên từ 3 - 8% thu nhập. Nếu có tài sản thừa kế thì tỉ lệ sẽ tính trên tổng tài sản, tức khoảng 1% mỗi năm" - chuyên gia tài chính cá nhân chia sẻ.

Tuy nhiên con số này cũng không nên bị cứng nhắc. Ví dụ, một người có thu nhập nhiều năm ở mức 30 triệu đồng/tháng. Gần đây, thu nhập tăng đột biến lên 80 triệu đồng/tháng nhưng chưa thực sự bền vững, ổn định thì chọn nên mức thu nhập để xác định ngân sách mua bảo hiểm khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, cần xem xét tỉ lệ tiết kiệm và nhu cầu sử dụng dòng tiền thặng dư này của cá nhân và gia đình là ưu tiên gia tăng tài sản hay bảo vệ tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn