MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam.

"Đừng thấy nợ xấu cao mà lo vỡ nợ trái phiếu"

Đức Mạnh LDO | 02/10/2022 11:19

Đây là nhận định của ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam. Theo ông, doanh nghiệp cho vay lãi suất cao nhờ đó có thể bù được các khoản nợ xấu.

Chấp nhận trái phiếu phải có nợ xấu như tín dụng ngân hàng

Thị trường trái phiếu vừa qua xuất hiện những vụ việc trái phiếu đến hạn nhưng chậm thanh toán gốc lãi. Nhà đầu tư vì thế mà hoang mang về khả năng vỡ nợ liệu có xảy ra. Bàn luận sâu, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT Fiin Group - cho rằng đây là một vấn đề nhạy cảm bởi trái phiếu là kênh huy động vốn mới, khác với nợ xấu ngân hàng đã được đề cập vài chục năm qua.

Trên quan điểm của một đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Thuân nhấn mạnh, chuẩn cho vay trái phiếu so với tín dụng ngân hàng chắc chắn thấp hơn. Ngót 60% các tổ chức phát hành chưa niêm yết, rất nhiều công ty dự án bị ngân hàng từ chối. 

Chủ tịch Fiin Group phân tích: "Với ngân hàng, tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo khoảng 1,5 - 2%. Nợ xấu tính điều chỉnh như Thống đốc báo cáo Quốc hội khoảng 6 - 7%. Thế nên với trái phiếu, chúng ta phải chấp nhận thực tế là phải có nợ xấu như tín dụng ngân hàng. Trên thị trường vốn chúng ta gọi là vỡ nợ.

Chúng tôi cũng đang xin ý kiến của các cơ quan quản lý, thành viên thị trường để xây dựng phân hạng chất lượng tín dụng của trái phiếu. Không tương thích hoàn toàn với 5 mức từ nợ bình thường đến mất vốn như của ngân hàng nhưng sẽ có mức nhất định trước khi doanh nghiệp thực sự hết tiền trả nợ".

Ông Thuân cho rằng với trái phiếu, dự nợ khoảng 1,5 - 1,6 triệu tỉ thì cũng không nên bất ngờ. Khoảng 1% hoặc thậm chí 3% số doanh nghiệp chậm trả lãi và gốc, tương đương 30 - 50 nghìn tỉ cũng vậy.

“Lãi suất trái phiếu đương nhiên cao hơn lãi gửi ngân hàng vì chuẩn thấp hơn. Nếu chậm trả gốc và lãi trái phiếu cũng là điều bình thường“, ông Nguyễn Quang Thuân nói. 

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam - khẳng định đừng thấy nợ xấu cao mà sợ. 

"Doanh nghiệp cho vay lãi suất cao và bù được các khoản nợ xấu. Nhiều ông tỉ lệ nợ xấu cao nhưng kết quả hoạt động lại rất tốt. Tỉ lệ lợi nhuận/ vốn cao hơn rất nhiều" - ông Quỳnh lý giải.

Mở rộng vấn đề, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nói: "Nhiều người cứ nghĩ phá sản là vi phạm pháp luật, nhưng thực tế không phải. Nhiều chủ doanh nghiệp làm việc rất tâm huyết và tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật thì vẫn có thể gặp rủi ro bất khả kháng như yếu tố thị trường, dẫn tới phá sản. Việc này nằm ngoài ý kiến chủ quan của họ, chứ không phải ông nào phá sản cũng là xấu, lừa đảo kiếm tiền. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư hiểu lầm".

"Đừng bỏ trứng vào một giỏ"

Về phía nhà đầu tư, "đừng bỏ trứng vào một giỏ" áp dụng trong trái phiếu tương tự như cổ phiếu. Cụ thể, nếu nhà đầu tư cá nhân bỏ 1 tỉ đồng vào 1 trái phiếu có khả năng vỡ nợ thì rủi ro sẽ là mất trắng. Nhưng với quỹ quản lý, họ cầm vài chục mã thì có vài mã vỡ nợ thì họ vẫn có thể có lãi tốt. Khách hàng khi mua chứng chỉ quỹ đó sẽ có rủi ro thấp hơn.

"Nhà đầu tư cá nhân tự mua, tự chơi thì đương nhiên không phải ai cũng gắp phải "than hồng". Tuy nhiên chỉ cần một vài người bị chậm trả gốc và lãi thì tác động cũng rất lớn. Nên khi hạ tầng thị trường phát triển thì sự tham gia của định chế phi ngân hàng nhiều hơn, thị trường nhờ đó sôi động hơn", đại diện Fiin Group chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn