MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ: “Phải rút kinh nghiệm khi lựa chọn tổng thầu”

NGÔ CƯỜNG LDO | 07/03/2018 06:51

Tại buổi làm việc với Tổng thầu EPC và BQL Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, dự án này chậm tiến độ, đội vốn là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc và cần phải rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà thầu, tổng thầu, quá trình đấu thầu, phải xác định trách nhiệm huy động nguồn lực.

Sáng 6.3, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đồng thời đi thử tàu kỹ thuật từ nhà ga Cát Linh đến khu Depot Hà Đông để có những đánh giá ban đầu về chất lượng và tiến độ dự án.

“Đề nghị lập ban chuyên trách dự án”

Báo cáo về tiến độ dự án, ông Đường Hồng - Giám đốc điều hành dự án, đại diện Tổng thầu EPC - cho biết, phần xây lắp dự án đã hoàn thành cơ bản, còn lại 5% gồm một số hạng mục ở nhà ga và khu hạ tầng kỹ thuật dần hoàn thiện, tiếp tục cho kiểm tra. Phần thiết bị đạt 70% giá trị. Các thiết bị, hạng mục khác như thang máy, thang cuốn đang tiến hành lắp đặt.

Hiện vấn đề vốn không còn khó khăn, bởi cuối năm 2017, hiệp định vay vốn bổ sung 250 triệu USD (khoảng 5.650 tỉ đồng) đã được Bộ Tài chính và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) thông qua và có hiệu lực, tiến hành giải ngân, đẩy mạnh thi công.

Tuy nhiên, dự án đường sắt trên cao vẫn có những vướng mắc nhất định, như khối lượng thi công (tuy không nhiều) nhưng rất phức tạp.

Bên cạnh đó, dự án này từ nay cho đến thời điểm bàn giao chỉ có Bộ GTVT quản lý trong khi thực tế triển khai lại liên quan đến nhiều ban, ngành chức năng từ trung ương đến địa phương, như: Đơn vị cung cấp điện nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống an ninh và giao thông nên đại diện Tổng thầu kiến nghị những ban, ngành chức năng phải lập ra ban chuyên trách, phụ trách về dự án. “Ví dụ, hệ thống kỹ thuật điện của dự án gặp trục trặc, chúng tôi phải làm việc với công ty điện lực, khôi phục lại nguồn điện. Ban ngành chức năng phải phối hợp với chúng tôi, đó là trách nhiệm của họ với dự án” - ông Đường Hồng cho hay.

Vị này cho biết, ngoài ra, phải lập tổ tư vấn hỗ trợ vận hành khai thác để hướng dẫn vận hành trong khoảng 1 - 2 năm khi dự án đi vào hoạt động. Bất cứ dự án nào đều phải có tổ tư vấn hỗ trợ vận hành, hướng dẫn đơn vị khai thác làm quen với quá trình vận hành ban đầu.

“Phải xây dựng đồng bộ để phát triển lâu dài”

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định hiện tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn do bộ quản lý nhưng giai đoạn sau sẽ do UBND TP.Hà Nội quản lý.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm 13km, 12 nhà ga và 1 khu Depot, đã hoàn thành 95% giá trị xây lắp. Dự án có 12 cụm danh mục thiết bị, đã đưa về công trường 80% khối lượng thiết bị.

Ông Đông cho rằng, việc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc và cần phải rút kinh nghiệm về vấn đề hoạch định tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng dự án. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến định mức đơn giá nên phải xây dựng đồng bộ để phát triển lâu dài.

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu, tổng thầu, quá trình đấu thầu phải rõ ràng, mạch lạc. Phải xác định trách nhiệm huy động nguồn lực. Không thể phát triển được hệ thống đường sắt đô thị nếu không phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội - cho rằng, sở dĩ người dân quan tâm đến dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vì dự án này triển khai ở thủ đô và những chậm chạp, thiếu sót của dự án này có cả phía Việt Nam và Trung Quốc. Đến nay dự án đã có tiền, phần đường đã xong, các thiết bị khác đang nhập về, nên không thể đưa ra lý do nào để chậm trễ tiến độ nữa.

“Khi dự án hoàn thành sẽ tạo niềm tin, hình ảnh để làm những dự án tiếp theo. Hai bên cố gắng hoàn thiện dự án, tạo nên một ấn tượng tốt, một điểm nhấn văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc” - ông Dũng nhận định.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn