MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày khánh thành năm 2014 đến nay, tuyến đường sắt Hạ Long - Cái Lân đón đúng một chuyến tàu hàng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đường sắt Hạ Long-Cái Lân: 6 năm đón 1 chuyến hàng nhưng "vẫn đợi tàu qua"

Nguyễn Hùng LDO | 14/08/2019 16:02

Trong sân ga Cái Lân, 9 đường ray lồng 2 khổ sẵn sàng đón những chuyến tàu tấp nập qua lại như thiết kế, giờ đã hoen rỉ, cỏ dại mọc đầy. 6 năm chỉ đón 1 chuyến hàng, nhưng nhân viên đường sắt vẫn "làm việc như mỗi ngày đều có tàu qua lại". Môt nhân viên gác trạm tâm sự: "Thôi, kệ. Em vẫn cứ đợi tàu qua!”.

Nếu như ga Hạ Long mỗi ngày chỉ đón một chuyến tàu chợ thì ga Cái Lân gần đó - được đầu tư với số vốn cực lớn, kể từ khi khánh thành năm 2014 đến nay, chỉ đón được duy nhất một chuyến tàu.

Không có chuyến tàu nào chạy qua, nhưng các trạm gác vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: Nguyễn Hùng

Vẫn làm việc như mỗi ngày đều có tàu qua lại

Chị Cao Thị Thu, nhà ở phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xin về làm việc cho Công ty cổ phần đường sắt Hà Lạng và được giao gác tại trạm gần cổng vào Khu công nghiệp Cái Lân cách đây 4 năm.

Suốt 4 năm qua, chị chưa nhìn thấy một đoàn tàu hàng nào chạy qua, "ngoài một hai lần, thấy người ta kéo những toa tàu không từ cảng Cái Lân đi đâu đó".

Ông Vũ Anh Dũng – trưởng ga Cái Lân – xác nhận, ga Cái Lân chỉ có một lần "vinh dự" được đón một chuyến tàu hàng kể từ ngày khành thành.

Tuy nhiên, các bộ phận phục vụ tuyến đường sắt chỉ dài khoảng 5km này, gồm Nhà ga, Công ty cổ phần quản lý đường sắt Hà Lạng, Xí nghiệp đầu máy, Công ty thông tin tín hiệu…, với hàng chục cán bộ, công nhân vẫn cứ hoạt động bình thường như mỗi ngày đều có tàu qua lại.

Hệ thống điều khiển tín hiệu, giám sát tàu vẫn hoạt động bình thường như hàng ngày vẫn có tàu chạy qua. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trên chiếc bảng trong trạm nơi chị Thu trực, hàng ngày chị hoặc đồng nghiệp vẫn ghi tên ca trực của từng người. Trạm của chị có 3 người, nhưng 2 người trực chính, một người phụ - trực khi một trong 2 người kia nghỉ. Mỗi ca trực kéo dài tới 12 tiếng, dù biết chẳng có tàu nào qua, nhưng vẫn phải thường xuyên có mặt tại trạm.

“Tất cả các điều kiện, các trang thiết bị… cho mỗi chuyến tàu và cho người, người qua lại ở các điểm cắt ngang đường sắt an toàn lúc nào cũng phải được đảm bảo. Không có tàu qua lại, nhưng công việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường sắt vẫn được làm thường xuyên” – chị Thu chia sẻ.

Gác mãi rồi cũng quen, kể cả có những đêm ngồi gác một mình, nhưng chị bảo chỉ còn biết đợi chờ.

“Ngày xin về đây, em cũng biết từ lúc khai trương chỉ đón được mỗi chuyến hàng. Thôi, kệ. Em vẫn cứ đợi tàu qua!” – nữ nhân viên tâm sự.

Chỉ một chuyến tàu qua dịp khánh thành

Tuyến đường sắt từ ga Hạ Long tới cảng Cái Lân, dài khoảng 5km, là phần được đầu tư xây dựng hoàn toàn mới nhằm kết nối cảng nước sâu Cái Lân với tuyến đường sắt từ ga Hạ Long – Yên Viên, Hà Nội.

Đây cũng là tiểu dự án duy nhất trong Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, có tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỉ đồng, đến nay được hoàn thành.

Tuy nhiên, phần lớn vì sự dở dang của các tiểu dự án khác, mà cho đến nay, tuyến Hạ Long – Cái Lân chỉ đón đúng một chuyến hàng – khoảng 10.000 tấn sắt, thép dịp khánh thành cuối năm 2014.

Nhà ga hoang vắng từ ngày khánh thành. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Nguyễn Đức Tân – Trưởng ga Hạ Long hiện nay, nguyên trưởng ga Cái Lân – không rõ có phải chuyến hàng hôm đó là kết quả của việc thương thảo giữa các bên để dịp khánh thành có một chuyến hàng cập bến như dư luận nói, nhưng đó là chuyến hàng đầu tiên và cũng là chuyến hàng cuối cùng từ thời điểm đó đến nay.

Khoảng 10.000 tấn sắt, thép được đưa từ Nhà máy gang thép Thái Nguyên bằng đường tàu hỏa từ ga Lưu Xá, Thái Nguyên tới điểm cuối là ga Cái Lân, TP.Hạ Long, Quảng Ninh và từ đây, được bốc dỡ lên ôtô để chuyển về các công ty than làm cột chống lò.

Sân ga cỏ mọc đầy. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hơn 4.500 trong tổng số vốn đầu tư trên 7.600 tỉ đồng đã được chi cho đại dự án Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, nhưng đến nay, tuyến đường sắt liên tỉnh này hiện vẫn “lộ cộ”, bởi toàn tuyến dùng khổ đường ray quốc tế - rộng 1,435m, nhưng thỉnh thoảng có đoạn lồng cả khổ đường ray toàn quốc – 1m.

Vì thế, chẳng thể kết nối được với hệ thống đường sắt quốc gia, nên muốn vận chuyển hàng hóa đi xa hơn buộc phải tăng bo bằng các phương tiện vận tải khác.

Điểm cuối của tuyến đường sắt Hạ Long - Cái :Lân. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tiểu dự án đoạn ga Hạ Long – ga Cái Lân, “ngốn” trên 1.500 tỉ đồng, cũng có hai khổ đường ray để sẵn sàng kết nối với hệ thống đường sắt toàn quốc, nhưng hoang vắng từ ngày khánh thành đến nay.

Trong sân ga Cái Lân, 9 đường ray lồng 2 khổ sẵn sàng đón những chuyến tàu tấp nập qua lại như thiết kế giờ đã hoen rỉ, cỏ dại mọc đầy. Đối diện với sân ga đìu hiu, hoang lạnh là cảng Cái Lân khá sôi động, với xe tải, container vào “ăn” hàng rầm rầm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn