MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Cam kết gì để không “bàn lùi”?

KHÁNH HOÀ LDO | 04/04/2018 09:58
Ngày 3.4, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện phía nhà thầu Trung Quốc cho biết, tiến độ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang được đẩy nhanh và dự kiến trong tháng 8 sẽ đóng điện toàn tuyến để chạy thử tàu trước khi đưa vào vận hành thử toàn tuyến từ ngày 2.9.

Ngày im ắng, đêm chạy đua tiến độ?

Ghi nhận của PV Báo Lao Động chiều 2.4 dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, một số hạng mục còn dở dang. Tại nhiều khu vực nhà ga phía bên dưới còn ngổn ngang gạch đá. Nhiều phần thi công trên cao đã được rào chắn một cách cẩn thận.

Dọc tuyến đường sắt, phía bên ngoài gần như không có công nhân nào. Phía bên trong một số nhà ga lác đác một vài công nhân cùng đống vật liệu xây dựng. Do ban ngày việc thi công diễn ra khá im ắng nên một số người dân quanh khu vực ga tự đặt câu hỏi, không biết công trình này còn hoạt động hay không.

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, đại diện nhà thầu Trung Quốc cho biết, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và tập trung chủ yếu ở 2 khu vực là khu Depot và nhà ga Cát Linh, trong đó, việc thi công được thực hiện chủ yếu vào ban đêm để đảm bảo an toàn.

Theo đại diện này, các nhà thầu phụ đang thi công các hạng mục như làm lan can kính, lắp cầu thang máy, thang trượt nên đòi hỏi an toàn tuyệt đối. Nhận định về tiến độ dự án, người này cho rằng mốc 2.9 vận hành thử toàn tuyến là khả thi, thậm chí còn có thể vượt tiến độ nếu thiết bị chuyển về sớm.

Theo kế hoạch, từ 2.9 khi vận hành toàn tuyến, tàu sẽ chạy thử liên tục và có thể mở cửa cho hành khách đi thử, còn trước đó, dự kiến vào tháng 8, sẽ đóng điện toàn tuyến và chạy thử tàu 1-2 chuyến/ngày để kiểm tra hệ thống.

Theo ban quản lý dự án, khối lượng xây lắp của dự án hoàn thành đạt khoảng 95% (chưa bao gồm phần thiết bị). Các khối lượng xây lắp còn lại đang được triển khai thi công bao gồm: Công tác hoàn thiện của 15/16 đơn thể kiến trúc và kết cấu của 1/16 đơn thể kiến trúc còn lại trong khu Depot (trạm xử lý nước thải), hạ tầng khu Depot (hàng rào, đường bộ, hào kỹ thuật...); công tác hoàn thiện công việc còn lại của nhà ga (lan can, trần, sàn tĩnh điện, cửa...). Tổng thầu đã nhập khẩu thiết bị khoảng 60% khối lượng và lắp đặt khoảng hơn 40% khối lượng (một số chuyên ngành như: Thông tin, Tín hiệu, Cung cấp điện, Ray tiếp xúc, Chiếu sáng...) và đang triển khai nhập khẩu các thiết bị còn lại và tiến hành lắp đặt đồng thời ngoài hiện trường.

Tổng thầu cũng đã vận chuyển về công trường được 13/13 đoàn tàu nhưng công tác đăng kiểm thiết bị đoàn tàu vẫn chưa thực hiện được do chưa lắp xong thiết bị chuyên ngành để đóng điện và kiểm soát khống chế điều khiển (như chuyên ngành điện, thông tin, tín hiệu...).

Không ngại thanh tra, vẫn giữ tiến độ

Trao đổi với Báo Lao Động ngày 3.4 về những ý kiến cho rằng cần thanh tra dự án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc thanh tra các dự án như Cát Linh - Hà Đông hay các dự án đã hoàn thành rồi là hoàn toàn bình thường nếu có kế hoạch và thanh tra có thể của bộ ngành hoặc của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, dự án Cát Linh - Hà Đông không có tên trong các dự án bị thanh tra trong năm 2018 và Bộ GTVT sẵn sàng làm việc nếu có chương trình thanh tra.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ GTVT chuẩn bị họp với UBND TP.Hà Nội để trao đổi về việc nghiệm thu từng phần, khai thác từng phần và tiến tới bàn giao dần dần dự án cho Hà Nội.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Hà Nội) mới đây đề xuất Sở GTVT Hà Nội phương án kết nối giao thông công cộng với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó điều chỉnh các tuyến xe buýt để thu hút hành khách trong phạm vi cách các nhà ga bán kính 0,5km. Điều chỉnh theo lộ trình giảm dần và dừng hẳn các tuyến xe buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; tăng kết nối xe buýt từ nhiều khu vực trung tâm thành phố với các nhà ga của đường sắt đô thị.

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30.5.2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 552,8 triệu USD (tương đương 8.769 tỉ đồng), trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD phục vụ xây lắp, mua đoàn tàu, thiết bị, đào tạo, vận hành và tư vấn giám sát. Vốn đối ứng của Việt Nam là 133,86 triệu USD phục vụ giải phóng mặt bằng, thuế, phí, lãi suất, quản lý dự án, bảo hiểm…

Sau đó, đến năm 2016, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh thành 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD, hơn 40% tổng mức đầu tư ban đầu) trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), phần vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Dự án chính thức được khởi công ngày 10.10.2011; ban đầu dự kiến từ tháng 10.2014 đến tháng 6.2015, sẽ tổ chức chạy thử và chính thức khai thác từ ngày 30.6.2015. Sau đó, dự án ít nhất 4 lần chính thức phải điều chỉnh tiến độ do vướng mặt bằng, tai nạn lao động và chậm giải ngân. TRẦN VƯƠNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn