MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện doanh nghiệp nước ngoài cho biết các khó khăn về lực lượng sản xuất do bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: TTBCTPHCM.

Đứt gãy sản xuất: Doanh nghiệp lo lắng nhất về lực lượng lao động

Thế Lâm LDO | 20/08/2021 20:34

Trong đại dịch, khó khăn ập đến với các doanh nghiệp nước ngoài tại TPHCM gồm nhiều vấn đề. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là thiếu hụt lực lượng lao động, dẫn đến nhiều khó khăn, hệ lụy khác.

Lao động giảm – doanh số, thu nhập giảm theo

Công ty Datalogic Việt nam hoạt động trong Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) thời điểm trước có 831 nhân viên làm việc, nay còn 502 nhân viên đang làm theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Theo đó, doanh số sụt giảm theo, từ mức 18 triệu USD vào tháng 6 tới tháng 7 chỉ còn 11 triệu USD.

Một hệ lụy kéo theo khi lực lượng lao động không ổn định tại công ty này do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là nhân lực giảm 70% - doanh số giảm 60% và thu nhập nhân viên giảm 60% so với trước đây.

Nhưng tình hình còn khó khăn hơn đối với những người lao động không tham gia “3 tại chỗ” thì phải nghỉ việc không lương, quá 14 ngày thì công ty theo luật không đóng BHXH, BHYT và công ty không thể tiếp tục trả lương cho nhân viên trong lâu dài vì thực hiện “3 tại chỗ” không biết lúc nào mới kết thúc.

“Người lao động không có thu nhập thì họ sẽ ra sao khi còn cha mẹ, con cái. Người lao động bỏ về quê thì nhà máy rất khó khăn tìm người thay thế”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Trong những khó khăn của doanh nghiệp được bà Hồ Thị Tú Uyên – Giám đốc đối ngoại Công ty Intel Việt Nam đóng tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) – nêu ra, vấn đề ổn định lực lượng lao động để giữ vững sản xuất cũng trở thành mối quan tâm lớn nhất.

Vị đại diện này đề nghị với lãnh đạo TPHCM đề đạt lên Bộ LĐ-TB&XH cho phép tăng thêm 100 giờ làm ngoài giờ trong năm 2021 để đáp ứng sản xuất đang gặp khó khăn về lao động đồng thời tránh cho doanh nghiệp vi phạm luật Lao động.

Cùng với đó, nên sớm triển khai cơ chế hộ chiếu vaccine để các chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vào Việt Nam làm việc, đặc biệt là để đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật tại Việt Nam.

Sản xuất “3 tại chỗ” tại một doanh nghiệp FDI trong Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Đức Long.

Theo ông Lê Hữu Bình – Giám đốc tài chính cao cấp của Công ty Jabil Việt Nam, thành phố cần xem xét cơ chế “hộ chiếu vaccine” cho những người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine để họ được đi làm và về nhà bình thường thay vì phải “3 tại chỗ”.

Cùng với đó, linh hoạt về cơ chế tiêm vaccine như tiêm dịch vụ, nhận vaccine từ tập đoàn mẹ, nhà nước giao vaccine cho doanh nghiệp triển khai tiêm (doanh nghiệp chịu chi phí dịch vụ tiêm) để nhanh chóng tạo độ phủ giúp người lao động sớm có thể đi làm bình thường trở lại.

Tiếp tục tiêm phủ vaccine cho công nhân lao động

Trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài tại hội nghị trực tuyến sáng 20.8 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian qua đã có hơn 21.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải giải thể, phần nào cho thấy tác động nặng nề của dịch bệnh.

“Quyết định phải giãn cách là hết sức khó khăn. Tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của dân, đến sản xuất của doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Nhưng vì trước hết và trên hết là an toàn, sức khỏe của người dân”, ông Phong nói.

Về kiến nghị thúc đẩy sớm tiêm vaccine cho người lao động, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 286.000 lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khoảng 3.000 chuyên gia được tiêm vaccine (tương ứng khoảng 85%) đã được tiêm vaccine.

Thành phố đang có kế hoạch tiêm tiếp mũi 2 cho 85% người lao động đã tiêm mũi 1 và 15% người lao động chưa tiêm vaccine.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn