MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: EVN

EVF lãi đầu tư chứng khoán tăng đột biến, nợ có khả năng mất vốn tăng 92%

Minh Ánh LDO | 07/02/2024 14:29

Năm 2023, Công ty Tài chính Điện lực (HoSE: EVF) - doanh nghiệp "họ" EVN có lãi đột biến tới 316 tỉ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Tuy lãi là vậy, nhưng lợi nhuận sau thuế của EVF vẫn bị sụt giảm. Nợ nhóm 5 tăng mạnh.

Lãi đầu tư chứng khoán tăng đột biến vẫn không cứu nổi lợi nhuận

Công ty tài chính điện lực (HoSE: EVF) mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với lợi nhuận trước thuế hơn 66,7 tỉ đồng, giảm đến 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Hết năm 2023, dù thu nhập lãi và các khoản thu nhập đạt gần 4.000 tỉ đồng, trong đó, thu lãi cho vay khách hàng chiếm đến 89%, thế nhưng, EVF dành 3.300 tỉ đồng cho chi phí lãi và các chi phí tương tự. Vì vậy, lãi thuần của EVF năm 2023 giảm tới 23% so với năm ngoái, chỉ đạt 709 tỉ đồng.

Đáng chú ý, năm vừa qua, EVF ghi nhận lãi đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Mức lãi là 316 tỉ đồng, trong khi năm 2022, EVF báo lỗ 78,5 tỉ đồng ở khoản này.

Nhờ khoản lãi này nên dù EVF tăng thêm hơn 7% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (xấp xỉ 387 tỉ đồng) nên lợi nhuận của EVF không bị tụt sâu so với năm ngoái.

Tính đến cuối năm 2023, EVF ghi nhận tổng tài sản đạt 49.221 tỉ đồng, tăng 17% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là danh mục cho vay khách hàng (chiếm hơn 68% tổng tài sản).

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 92%

Nhìn vào báo cáo tài chính của EVF một số điểm đáng chú ý trong cấu trúc tài chính của công ty cũng lộ diện.

Tính đến ngày 31.12.2023, ở phần nguồn vốn huy động của EVF, tiền gửi khách hàng giảm đến 27,4% so với năm ngoái, còn 3.000 tỉ đồng.

Đáng chú ý, phát hành giấy tờ có giá tăng thêm hơn 7.000 tỉ đồng, lên mức 17.400 tỉ đồng. Trong đó, riêng phần huy động chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn chiếm khoảng 32% danh mục nguồn vốn của công ty này.

Còn nhớ, trong tháng 12.2023, EVF đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt hơn 7.042 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 1:1 và chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động ESOP.

Nhờ nguồn vốn huy động, hết năm 2023, cho vay khách hàng tăng 37,7% so với đầu năm, đạt hơn 33.500 tỉ đồng.

Về dư nợ cho vay theo ngành, lĩnh vực Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy... chiếm tỉ trọng lớn (hơn 20%) trong tổng dư nợ, giữ mức 6.800 tỉ đồng. Con số này tăng vọt từ mức 3.300 tỉ đồng hồi cuối năm 2022.

Tiếp theo đó là dư nợ tại lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí đạt mức 6.300 tỉ đồng. Xếp thứ ba là nhóm ngành xây dựng với mức dư nợ đạt 5.527 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, danh mục đầu tư dài hạn của công ty ghi nhận giá trị hơn 1.000 tỉ đồng, tăng mạnh 121% so với đầu năm. Như vậy, trong năm EVF phát sinh thêm nhiều khoản đầu tư dài hạn mới.

Phân tích chất lượng nợ vay, nợ xấu của EVF hết năm 2023 giảm mạnh so với đầu năm, còn hơn 435 tỉ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đều ghi nhận giảm thì nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh đến 92%.

Vì vậy, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giữ mức 1,3%.

Hiện có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó chỉ có 3 công ty hoạt động dưới mô hình Công ty cổ phần, trong khi các công ty còn lại theo mô hình Công ty TNHH. Chỉ có 2 công ty đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán là EVN Fiannce (HoSE: EVF) và VietCredit (UPCoM: TIN).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn