MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ hội giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao từ sau 1.8, khi EVFTA có hiệu lực thi hành. Ảnh: TTXVN

EVFTA bắt buộc nông sản Việt chuyển sang chế biến sâu, chất lượng cao

Vũ Long LDO | 02/08/2020 15:25

Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1.8.2020 được đánh giá là  tạo ra các lợi thế cạnh tranh lớn cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là hàng thuỷ sản và lúa gạo xuất khẩu.

Bắt buộc ngành lúa gạo chuyển sang giai đoạn chất lượng

Theo thỏa tuận tại Hiệp định EVFTA, mỗi năm Việt Nam được xuất khẩu 80.000 tấn gạo miễn thuế sang thị trường EU. EU sẽ đưa thuế suất của gạo về 0% sau 3-5 năm. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, không chỉ về giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà còn là cơ hội để Việt Nam nâng giá trị của sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường EU và trên thế giới.

Để đón bắt cơ hội do EVFTA mang lại, các doanh nghiệp đã tập trung cho mặt hàng gạo chất lượng để xuất khẩu, đặc biệt là tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, các DN đã chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường EU. 

Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), cho biết: Để có đủ nguồn hàng phục vụ thị trường mới đầy tiềm năng này, các DN đang tăng tốc để nâng chất lượng nguồn hàng. Đặc biệt là cần chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm.

“Vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo cần được quan tâm giải quyết để tuân thủ quy định của EU và thế giới” – ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phước Thành 4 (Vĩnh Long), cũng khẳng định: EU là thị trường cấp cao, nên hàng hóa phải đạt chất lượng tốt mới có thể ký kết được hợp đồng.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Lý Thái Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cũng đề cao vấn đề phát triển bền vững của ngành lúa gạo khi tham gia thị trường EU. Tức là Việt Nam chuyển từ giai đoạn xuất khẩu nhiều về số lượng sang giai đoạn xuất khẩu ít nhưng giá trị kim ngạch ngoại tệ thu về cao hơn.

Doanh nghiệp đăng ký trước được cấp hạn ngạch trước

Cá ngừ đại dương và surimi là sản phẩm được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: Tổng cục Thủy sản.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong các mặt hàng thủy sản được hưởng lợi từ EVFTA, những ưu đãi về thuế quan trong EVFTA sẽ mang lại cơ hội không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU.

Một số mặt hàng sẽ chịu cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQ) như cá ngừ đóng hộp và surimi (cá nguyên liệu được tiến hành rửa, philê, xay nhỏ, băm nhuyễn và phối trộn các nguyên liệu phụ, định hình, xử lý nhiệt sẽ cho sản phẩm được gọi là surimi-PV).

Để các doanh nghiệp hải sản nắm bắt được cơ hội trong EVFTA và có kế hoạch sản xuất xuất khẩu tận dụng được TRQ đối với sản phẩm cá ngừ đóng hộp và surimi, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cơ quan đầu mối của EU phụ trách phân bổ và quản lý TRQ đối với các mặt hàng thuộc diện cam kết trong Hiệp định EVFTA là Tổng cục Thuế và Hải quan (Directorate General Taxation and Customs Union - DG TAXUD). TRQ sẽ được phân bổ và quản lý theo quy định tại Điều 49 đến 54 của Quy định thực thi (EU) 2015/2447.

Theo quy định này, nhà nhập khẩu EU sẽ đăng ký với DG TAXUD để được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan. Hàng hóa nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-serve), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.

Ví dụ, tất cả các đơn xin cấp phép nhập khẩu được chấp thuận vào ngày 1.8.2020 sẽ được phân bổ TRQ trước và lượng hạn ngạch còn lại sẽ được phân bổ cho các đơn xin cấp phép nhập khẩu được chấp thuận vào các ngày sau đó.

Về phía Việt Nam, doanh nghiệp không cần phải làm các thủ tục đăng ký về TRQ với Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp cần chủ động bám sát, trao đổi với các doanh nghiệp đối tác phía EU để xác định lượng hạn ngạch mà đối tác được cấp và thống nhất với đối tác về thời gian giao hàng hợp lý...


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn