MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiệp định EVFTA hỗ trợ để xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng lợi thế. Ảnh minh họa: Vũ Long

EVFTA tạo dư địa xuất nhập khẩu lớn giữa Việt Nam và Châu Âu

Vũ Long LDO | 02/11/2021 17:05
Sau 1 năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và Châu Âu tăng mạnh, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để khai thác.

Những trái ngọt đầu tiên sau 1 năm thực hiện EVFTA

Trao đổi với PV Lao Động chiều 2.11.2021, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, nhấn mạnh: Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Châu Âu (EU) là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, rau quả, thuỷ sản, gạo, càphê… trong khi các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ôtô, ôtô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh...

"Sau  hơn 1 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã cho những trái ngọt ban đầu, là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới" - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh. 

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt, ngay cả so với thời kỳ trước đại dịch. Mức tăng trưởng khả quan được nhận định có vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định EVFTA, đặc biệt trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thời gian qua là tín hiệu hết sức khả quan, cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng như hạt điều, càphê, rau củ, thanh long, vải…

Dư địa còn nhiều, cần phát huy năng lực để chinh phục

Về tổng thể, số liệu tham khảo tiềm năng xuất khẩu của Tổ chức thương mại thế giới (ITC) ước tính, thị trường EU còn tới 49% dung lượng mà Việt Nam có thể khai thác. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến còn 35-60% chưa khai thác và nhóm nông sản thực phẩm còn có thể khai thác từ 35-90%, tuỳ theo sản phẩm cụ thể.

Càphê Việt Nam có nhiều lợi thế tại thị trường EU. Ảnh: Vũ Long

Ông Vũ Bá Phú cho rằng, theo các chuyên gia, khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch COVID-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.

Ví dụ, các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU. Về lâu dài, cần tập trung thêm các ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai như năng lượng tái tạo, ôtô sử dụng năng lượng sạch và những sản phẩm khác Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn (từ khâu thiết kế đến xây dựng thương hiệu) như đồ gỗ nội thất, dệt may, nông sản nguồn gốc thiên nhiên chế biến…

"Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các DN EU có lợi thế hơn hẳn các DN Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA" - ông Vũ Bá Phú trăn trở.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực hiện Hiệp định EVFTA nói riêng. Đồng thời, chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và DN, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp DN đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTA.

Về phía địa phương, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan để tăng cường việc định hướng các DN chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường các nước EU.

Các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi DN xuất khẩu liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất tạo ra các chuỗi giá trị theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc, xuất xứ của thị trường EU qua các chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ, thương mại công bằng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn