MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói về Hiệp định EVFTA được Nghị viện Châu Âu thông qua. Ảnh: Hải Nguyễn

EVFTA: Tín hiệu lạc quan cho nông sản Việt Nam giữa dịch COVID - 19

Nhóm PV LDO | 13/02/2020 10:04
Giữa dịch COVID - 19 bùng phát, Hiệp định EVFTA được thông qua có ý nghĩa rất lớn đối với nông sản Việt, vì Châu Âu là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam.

EU là thị trường của Việt Nam

Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin chính thức về việc Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, điều này chứng tỏ vị thế của đất nước ta ngày càng tăng lên về các vấn đề như chính trị, đối ngoại, kinh tế, hợp tác quốc tế…

"Hiện nay, hàng hoá của Việt Nam đã hiện diện tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, chế biến chế tạo, nông thuỷ sản… cần tập trung phát triển ở một số thị trường thuận lợi như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc…", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Toàn cảnh buổi họp báo về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA là cơ hội lớn cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như thanh long, xoài, chôm chôm, bưởi, sầu riêng... Song, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhắc tới vấn đề dịch viêm phổi cấp do nCoV gây ra - ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Từ việc này thấy được hạn chế và bất cập của Việt Nam trong vấn đề phát triển một thị trường và năng lực hàng hoá, nhất là nông sản khi phụ thuộc quá nhiều và một thị trường (thị trường Trung Quốc), dẫn tới việc khi xảy ra dịch, phía Trung Quốc hạn chế thông quan ở các cửa khẩu, hàng hoá của Việt Nam bị đình trệ.

Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA được thông qua có ý nghĩa rất lớn, vì Châu Âu là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, bà con nông dân cần có biện pháp tái cơ cấu sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, đảm bảo những điều kiện về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, dịch bệnh, bởi đây là những hàng rào lớn nhất. 

Kế hoạch tiếp theo của Bộ Công Thương sau khi EVFTA được phê chuẩn

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể.

Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Dưới góc độ của Bộ Công Thương, Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng các cơ chế thực thi mới phù hợp với Hiệp định EVFTA, có thể triển khai ngay khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn.

Đơn cử như cơ chế về nhóm tư vấn trong nước về phát triển bền vững nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, đoàn thể, các tổ chức đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp xã hội cũng như truyền thông vào quá trình hoạch định chính sách.

Đây là cơ chế hoàn toàn mới, được xây dựng dựa trên các nền tảng hoạt động của một nhà nước kiến tạo, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân, các tổ chức đại diện và cộng đồng doanh nghiệp.

"Nếu thực hiện được như vậy, Hiệp định EVFTA sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho nền kinh tế và doanh nghiệp mà còn đóng góp cho việc nâng cao thu nhập của người lao động, góp phần phát triển kinh tế mang tính bền vững", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn