MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

EVN lỗ kỷ lục, sức ép tăng giá điện trong năm 2023 ngày càng lớn

Anh Tuấn LDO | 09/04/2023 13:52

Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng rất cao, giá bán lẻ điện bình quân nhiều năm chưa được điều chỉnh khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mất cân đối tài chính, chỉ giữ được khoản lỗ năm 2022 ở mức 26.235 tỉ đồng. Do đó, EVN đã đề xuất tăng giá điện trong năm 2023.

Nguyên nhân khiến EVN lỗ?

Nói về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2021 và năm 2022, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2022, do bị lỗ hơn 26.000 tỉ đồng nên sức ép tăng giá điện đang ngày càng lớn.

Theo đó, mức giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh (tăng 1,84% so với năm 2020); năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh (tăng 9,27% so với năm 2021).

Giải thích nguyên nhân khiến giá thành tăng, đại diện Bộ Công Thương cho hay, giá than, giá dầu và tỉ giá là những vấn đề gây sức ép nhất lên giá thành sản xuất điện năm 2022.

Cụ thể, giá than trộn trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc năm 2022 đã tăng bình quân từ 34,7 - 46,4% so với giá than trộn bình quân từng loại của năm 2021, làm tăng chi phí của hầu hết các nhà máy nhiệt điện than. 

Cùng đó, giá than nhập khẩu năm 2022 lên tới 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với năm trước đó. Đặc biệt, riêng thời điểm tháng 4, giá than thế giới tăng vọt lên tới 705,4 USD/tấn, tăng 411% so với mức bình quân của năm 2021.

Giá khí cũng tăng 27,4% trong khi tỉ giá tăng tổng cộng 495,3 đồng/USD, tương ứng tăng 2,2% so với bình quân năm 2021 khiến doanh nghiệp sản xuất điện gặp vô vàn khó khăn khi chi phí mua điện từ các nhà máy từ nhiệt điện khí, nhiệt điện than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo tăng cao.

EVN lỗ nặng do chi phí đầu vào cho khâu phát điện tăng cao. Ảnh: Cường Ngô 

Bên cạnh đó, mức biến động tỉ giá đồng USD trong năm 2022 cũng tăng làm tác động tới giá thành. Mức tăng của tỉ giá đã làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng ngoại tệ (USD), hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ như các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu, nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc và các nhà máy năng lượng tái tạo.

Đồng thời, EVN còn phải thực hiện bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo, xã đảo chưa nối điện lưới quốc gia trong các năm 2021, 2022 lần lượt là 265,75 tỉ đồng và 387,55 tỉ đồng.

Với mức giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện các năm 2021, 2022 đều tăng so với năm trước đó, và thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm, nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN trong hai năm này đều lỗ. Cụ thể, năm 2021 lỗ 975,31 tỉ đồng; năm 2022 lỗ 36.294,15 tỉ đồng.

Cơ chế "soi" chi phí của EVN ra sao?

Theo Bộ Công Thương, nguyên tắc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện được thực hiện trên cơ sở quyết định số 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN được công bố dựa trên kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành, gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Việc kiểm tra dựa trên các tài liệu mà EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, bao gồm báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN;

Báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện (trên cơ sở kiểm tra chọn mẫu); tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành. Chi phí mua điện từ các nhà máy điện xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.

Cần chấp nhận mức tăng giá điện từ 5-7%

Theo TS Cấn Văn Lực, do giá than tăng rất cao trong thời gian qua, chi phí sản xuất điện cũng "phi mã", cho nên, người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023, dự báo 5-7%. 

"Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lỗ tới 31.000 tỉ đồng trong năm 2022, trong khi, chi phí đầu vào tăng, giá than tăng mạnh, nếu không được tăng giá điện thì EVN lỗ lớn. Từ đó tác động tới an ninh năng lượng, không đảm bảo cung ứng điện", ông Lực nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn