MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

EVN lo mất cân đối tài chính khi dự kiến lỗ gần 99.000 tỉ đồng

Anh Tuấn LDO | 16/02/2023 11:03

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước tính lỗ lũy kế hai năm (2022-2023) gần 99.000 tỉ đồng, có thể mất cân đối tài chính, dòng tiền, nếu giá điện không thay đổi.

Lỗ giai đoạn 2022-2023 dự kiến lên tới 99.000 tỉ đồng

Báo cáo mới nhất của EVN thể hiện, năm 2022 là năm rất khó khăn đối với tập đoàn này và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ tăng cao. 

Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại, như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn, tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính, vận hành tối ưu nguồn điện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện không được điều chỉnh kịp thời, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ 27.685 tỉ đồng.

Năm 2023, EVN dự báo tiếp tục đối mặt hàng loạt khó khăn khi phải đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới; cân đối tài chính khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào.

EVN lo mất cân đối tài chính khi dự báo lỗ giai đoạn 2022-2023 lên tới 99.000 tỉ đồng. Ảnh: Cường Ngô 

Năm 2023, với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864 đồng/kWh (chưa được xem xét điều chỉnh sau 4 năm), EVN cho rằng - chỉ có nguồn thủy điện có giá thành điện thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân, mang lại lợi nhuận cho EVN, song sản lượng năm 2023 chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 33%.

Các nguồn điện còn lại như nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và chiếm tỉ trọng đến 67% về sản lượng. Điều này làm lỗ cho EVN.

Tổng số lỗ lũy kế của năm 2022-2023 dự kiến là 99.305 tỉ đồng. Việc lỗ này sẽ làm mất vốn nhà nước tại EVN (mất 44,8% vốn nhà nước tại EVN).

Tránh tác động đến lạm phát

Tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho ngành điện ngày 15.2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN sớm hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và kiểm toán tài chính của tập đoàn này cùng các đơn vị thành viên.

Ông nói việc điều chỉnh giá điện cần được tính toán, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Việc điều chỉnh giá điện ở mức nào đang được nhiều người quan tâm. Chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức cho biết, việc tăng giá điện là điều bắt buộc.

Nếu không, trước mắt EVN phải đối mặt giảm lương, nợ lương, thiếu tiền trả cho các nhà máy điện. Sau đó các nhà máy điện thiếu tiền mua than, khí. Nếu vẫn tiếp tục kéo dài thì có thể sẽ không mua được than, khí để phát điện. Người lao động có thể sẽ nghỉ việc vì nợ lương lâu.

Ngoài ra, các hợp đồng tín dụng cũng có thể bị liệt vào diện nợ xấu. Lâu dài nữa ngành điện hết tiền đầu tư, hạ tầng xuống cấp, không có nguồn điện mới bổ sung vào hệ thống.

Lo ngại tăng giá điện tác động đến lạm phát là có, nhưng chuyên gia Nguyễn Minh Đức đánh giá so với tác động của các chính sách tài khoá, tiền tệ thì tác động này không lớn bằng.

Lạm phát năm 2022 giữ ở mức có hơn 3%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, chủ yếu là vì chính sách tài khoá và tiền tệ chặt chẽ. Việc đưa ra lạm phát năm 2023 là 4,5% là con số chấp nhận được, không cần thiết phải kiềm chế ở mức thấp như năm 2022.

"Nói chung, lạm phát cả thế giới đều tăng, Việt Nam cố gắng nằm ngoài xu hướng đó thì cũng có cái được và cái mất. Nhưng nếu cứ xa rời xu hướng thế giới lâu quá, nhiều quá, thì cái mất nhiều hơn cái được", chuyên gia này nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn