MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EVNGENCO 3 lỗ 652 tỉ đồng quý đầu năm. Ảnh: EVN

EVNGENCO 3 lỗ 652 tỉ đồng, nợ phải trả gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu

Lục Giang LDO | 24/05/2024 20:03

EVNGENCO 3 lỗ 652 tỉ đồng quý đầu năm do doanh thu thuần và doanh thu tài chính giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính tăng vọt lên mức 1.243 tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lỗ nặng do doanh thu giảm và chi phí tài chính tăng mạnh

BCTC Hợp nhất quý I/2024 của Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (Mã CK: PGV) ghi nhận doanh thu thuần của Công ty quý đầu năm đạt 9.687 tỉ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn ở mức khá cao, lên đến 9.079 tỉ đồng, nên lợi nhuận gộp chỉ còn 808 tỉ đồng.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh, chỉ còn 91 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 250 tỉ đồng. Ngược lại chi phí tài chính tăng vọt lên mức 1.243 tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí lãi vay ở mức 606 tỉ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả trong quý đầu năm, EVNGENCO 3 lỗ sau thuế 652 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp lãi 620 tỉ đồng. Giải trình khoản lỗ quý đầu năm, EVNGENCO 3 cho biết nguyên nhân chủ yếu do giá bán điện bình quân thấp hơn và sản lượng điện bán thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh 159 tỉ đồng trong khi chi phí tài chính tăng cao, thêm 657 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu do lỗ chênh lệch tỉ giá tăng 796 tỉ đồng.

EVNGENCO 3 lỗ nặng quý đầu năm do doanh thu giảm, chi phí tài chính tăng mạnh. Ảnh chụp màn hình BCTC PGV

Tại ngày 31.3.2024, tổng tài sản của EVNGENCO 3 đạt 58.121 tỉ đồng, giảm nhẹ 1,2% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỉ lệ lớn nhất với 36.018 tỉ đồng, giảm 2,9% so với đầu năm.

Kế đến là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 10.348 tỉ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là Công ty mua bán điện, với 9.225 tỉ đồng, tăng 4,6%; phải thu về cổ tức và lợi nhuận được chia 185 tỉ đồng, giảm 25% so với đầu năm; phải thu về cho vay 68 tỉ đồng, không biến động so với đầu năm.

Hàng tồn kho ở mức 2.982 tỉ đồng, giảm 3,6% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nguyên vật liệu với 2.658 tỉ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm; còn lại là hàng hoá 145 tỉ đồng; công cụ, dụng cụ 135 tỉ đồng; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 43 tỉ đồng.

Tiền và tương đương tiền ở mức 555 tỉ đồng, giảm 8,8% so với đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn 2.850 tỉ đồng, giảm 2,9% so với đầu năm.

Đầu tư tài chính dài hạn 2.520 tỉ đồng, không biến động so với đầu năm. Phần lớn trong đó là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết với 1.985 tỉ đồng. Công ty đầu tư nhiều nhất vào CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh với 1.406 tỉ đồng; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 536 tỉ đồng.

Tài sản dài hạn khác ở mức 2.126 tỉ đồng, giảm 3,4% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn với 1.866 tỉ đồng và chi phí trả trước dài hạn 260 tỉ đồng.

Nợ phải trả gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu

Về phía nguồn vốn, tại ngày 31.3.2024, nợ phải trả của EVNGENCO 3 ở mức 43.035 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm. Nợ vay chiếm 80% trong cơ cấu nợ phải trả với 34.547 tỉ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn chiếm phần lớn với 29.187 tỉ đồng, giảm 4,8%; vay ngắn hạn ở mức 5.360 tỉ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 15.085 tỉ đồng, giảm 4,3% so với đầu năm. Như vậy, số nợ phải trả 43.035 tỉ đồng gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ vay tại EVNGENCO 3. Ảnh chụp màn hình BCTC PGV

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ có cải thiện, với mức dương 64,7 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước âm 1.517 tỉ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 162 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước dương 95 tỉ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 182 tỉ đồng do tiền thu từ đi vay trong kỳ chỉ ở mức 91 tỉ đồng, chi trả nợ gốc vay lên đến 228 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn