MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ghế nóng lãnh đạo cấp cao của Eximbank liên tục thay đổi trong thời gian qua. Ảnh TL

Eximbank "rối ren" chuyện nhân sự cấp cao, nợ xấu gần 2500 tỉ đồng

Lan Hương LDO | 09/12/2020 17:09

Liên tiếp hoãn tổ chức đại hội cổ đông, tình hình nhân sự cấp cao phức tạp, nợ xấu ngân hàng Eximbank tăng mạnh là những vấn đề ngân hàng này đang gặp phải.

Cổ đông "đau đầu" chuyện nhân sự cấp cao Eximbank

Câu chuyện nhân sự cấp cao hội đồng quản trị Eximbank tiếp tục là tâm điểm sự chú ý khi một số cổ đông lớn gửi văn bản tới Hội đồng quả trị và Ban kiểm soát ngân hàng.

Đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank vừa có đề nghị hội đồng quản trị đưa vào chương trình họp đại hội cổ đông thường niên 2020 việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết. Đại hội cổ đông thường niên dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 15.12 tới đây tại Hà Nội

Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu hội đồng quản trị bổ sung nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 việc thanh lọc hội đồng quản trị thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.

Liên tiếp trong thời gian qua, Đại hội cổ đông thường niên và đại hội cổ đông bất thường của Eximbank nhiều lần bị hoãn.

Lần thứ nhất đại hội cổ đông bất thường hoãn vì không đủ tỉ lệ để tiến hành. Lần thứ 2 và thứ 3, Đại hội cổ đông thường niên hoãn vì lý do tương tự. Lần thứ 4, đại hội cổ đông thường niên dự kiến họp vào 17.8 lại tiếp tục bị hoãn vì lý do dịch COVID-19.

Cuối tháng 7, cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (nắm giữ 15% vốn cổ phần Eximbank) đã có văn bản yêu cầu Eximank phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 trước đại hội cổ đông thường niên lần 2.

Lý do SMBC nêu ra là đại hội cổ đông bất thường nhằm giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019 đã bị trì hoãn trong thời gian dài. Do vậy đại hội cổ đông bất thường phải được tiến hành trước, giải quyết xong tất cả vấn đề của năm tài chính 2019, trước khi chuyển qua xem xét các vấn đề của năm tài chính 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

"Ghế nóng” Chủ tịch hội đồng quản trị của Eximbank cũng liên tiếp thay đổi trước đó. Sau khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4.2015, ông Lê Minh Quốc được bầu vào vị trí thay thế.

Câu chuyện phức tạp quanh Eximbank - Nam A Bank cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Bà Lương Cẩm Tú từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Nam A Bank và là người đại diện phần vốn Nam A Bank tại Eximbank được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 22.3.2019.

Nhưng ông Lê Minh Quốc đã gửi đơn kiện lên tòa án do không đồng ý quyết định này.

Từ tháng 3-5.2019, vị trí Chủ tịch Eximbank thuộc về ông Lê Minh Quốc, rồi chuyển sang bà Lương Thị Cẩm Tú, rồi lại trở về tay ông Lê Minh Quốc.

Sau đó ông Cao Xuân Ninh tiếp quản ghế chủ tịch HĐQT.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, vị trí Chủ tịch HĐQT đề tên ông Yasuhiro Saitoh.

Nợ xấu Eximbank tăng nhanh, đặc biệt nợ khả năng mất vốn

Do nhân sự cấp cao liên tục biến động, kết quả kinh doanh của Eximbank cũng bị ảnh hưởng không ít.

Phân tích nợ xấu của Eximbank tính tới hết 30.9.2020, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, tổng nợ xấu tăng xấp xỉ 29% từ hơn 1933 tỉ đồng lên khoảng 2491 tỉ.

Bảng so sánh chất lượng nợ xấu của Eximbank tính tới thời điểm 30.9.2020 và thời điểm 31.12.2019 Ảnh: Lan Hương

Trong cơ cấu nợ, nợ cần chú ý (nhóm 2) tăng 25,7%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 67,1%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng vọt 279,4% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 98,9%.

So sánh chất lượng nợ xấu của Eximbank. Nguồn: BCTC do LDO tổng hợp

Đáng chú ý, trong quý III/2020, tỉ lệ nợ xấu của Eximbank tăng lên 2,46% (so với mức 1,71% vào cuối năm 2019).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn