MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn là một vấn đề đau đầu với người lãnh đạo. Ảnh: Hải Đăng

Facebook, Google,… và những nét văn hóa doanh nghiệp độc đáo

MINH THIỆN LDO | 17/04/2021 14:24

Những gã khổng lồ công nghệ đang tác động đến thế giới theo nhiều cách khác nhau. Có được điều này phải kể đến tầm nhìn của người lãnh đạo và văn hóa nội bộ độc đáo của mỗi công ty.

Dưới đây là 5 nét văn hóa nổi bật, được nêu trong chuyên mục Stategy (Chiến lược) của tờ The Business Insider (Hoa Kỳ).

“Văn hóa hacker”: lấy sáng tạo bù đắp hạn chế

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các công ty phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm cách khắc phục hạn chế trong phần mềm. Họ khuyến khích nhân viên tự tìm ra và nhanh chóng giải quyết vấn đề trước khi đưa lên cấp trên.

"Văn hóa hacker" được hiểu như việc mỗi người đóng vai trò như một "tin tặc" - phát hiện các kẽ hở và chủ động tìm cách xử lý chúng.

Facebook phát triển rất mạnh văn hóa này để giải quyết rất nhanh chóng những vấn đề trên mạng xã hội cũng như an ninh mạng, nhằm bắt kịp tốc độ internet và tiến bộ công nghệ không ngừng.

Tạo ra môi trường linh hoạt, vui vẻ

Văn phòng làm việc của Google là một trong những môi trường như vậy. Những ý tưởng dù thất bại vẫn được khen thưởng bằng một cách nào đó, giúp loại bỏ nỗi sợ mắc sai lầm.

Từ đó, Google trao quyền cho nhân viên của mình, thu hút lòng tin đồng thời phát triển các giải pháp đa dạng qua từng thời kỳ.

Một góc văn phòng của Google tại Singapore. Ảnh Vân Anh

Khuyến khích nhân viên bắt tay thực hiện các ý tưởng riêng

Khi gặp phải rào cản, mọi công ty đều nên khuyến khích nhân viên tìm hiểu và đưa ra giải pháp, thay vì đẩy lên cấp cao hơn giải quyết. Microsoft dựa trên điều này để thúc đẩy nhân viên học hỏi, trau dồi trình độ không ngừng.

Cũng giống như Google, ở Microsoft bạn được phép mắc sai lầm để tìm ra điều tối ưu nhất. Từ đó, những phát hiện có giá trị được tìm thấy, đóng góp vào sự phát triển chung.

Không quá quan trọng bằng cấp, thay vào đó là áp dụng hệ thống đào tạo riêng

Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng hơn là giáo dục, các ông lớn công nghệ sẵn sàng đầu tư vào những chương trình đào tạo nội bộ để rèn luyện kỹ năng cũng như kiến thức cần thiết cho nhân viên. Đây đều là những phạm vi hiểu biết có tính “độc quyền” mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.

Ứng viên của Apple, Google, IBM,... không chỉ cần khả năng sáng tạo, xử lý vấn đề mà còn phải biết giữ bí mật tuyệt đối để bảo vệ các ý tưởng độc quyền, từ đó giúp công ty vượt lên các đối thủ cạnh tranh.

Các ông lớn công nghệ rất chú trọng quá trình đào tạo nội bộ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Coi nhân viên như người trong gia đình

Bí quyết tạo cảm hứng cho nhân viên chính là trao cho họ quyền đóng góp vào thành công chung của công ty. Alibaba trao quyền cho nhân viên bằng cách khuyến khích họ thẳng thắn đưa ra phản hồi, đề xuất có giá trị trong các quyết định quan trọng hoặc thậm chí cả phê bình ban lãnh đạo với thái độ tôn trọng nhất định.

Điều này giúp thúc đẩy một môi trường minh bạch, cởi mở. Alibaba đã khiến nhân viên nào cũng cảm thấy được tôn trọng, từ đó xây dựng một lực lượng nhân sự trung thành. Minh chứng là càng ở lại công ty lâu, những nhân sự này càng có thêm nhiều ý tưởng mới, gắn bó mật thiết với lợi ích đem lại.

Bất kể ngành nghề với quy mô nào cũng đều cần chú trọng đến văn hóa doanh nghiệp. Bằng cách áp dụng những chiến lược nêu trên, dù là doanh nghiệp vừa, nhỏ hay start-up, bạn cũng có thể xây dựng cho mình một lực lượng nhân sự trung thành, có kỹ năng phản biện và tư duy sáng tạo đa chiều để vượt lên trên các đối thủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn