MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyển đổi số đã kích thích thương mại điện tử phát triển mạnh kéo theo dịch vụ shipper nhộn nhịp. Ảnh: Anh Tú.

Facebook ví Việt Nam “như là quê hương của chuyển đổi số”

Thế Lâm LDO | 04/11/2021 13:21
TPHCM- Nằm trên một khu vực sôi động của thế giới, nơi hiện được xem như là quê hương của chuyển đổi số, Việt Nam đang ở tuyến đầu thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ dựa trên nền tảng số hóa, nghiên cứu của Facebook cho biết.      

Thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất khu vực

Nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á” do Facebook và Bain & Company thực hiện với nhiều góc nhìn về công cuộc chuyển đổi số đang bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam, qua những điểm nhấn nổi bật về xu hướng và hành vi người dùng tại các thị trường. Cùng với đó là triển vọng tiêu dùng sau đại dịch.

Trong số khoảng 16.700 người tiêu dùng kỹ thuật số và hơn 20 nhân sự cấp C (cấp giám đốc điều hành) tại 6 quốc gia Đông Nam Á được khảo sát, có 3.579 người tham gia từ Việt Nam. Theo đó, Đông Nam Á dẫn đầu chuyển đổi số ở Châu Á - Thái Bình Dương. Và Việt Nam, được dự báo có tốc độ tăng trưởng bứt phá trong khu vực

Tại Việt Nam, cứ 10 người tiêu dùng thì có tới 7 người được tiếp cận kỹ thuật số. Dự tính đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số.

Tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số song hành cùng mức tăng chi tiêu số trong khu vực lên tới 80%/năm, và dự kiến tổng giá trị mua sắm trực tuyến sẽ tăng gấp đôi tính đến năm 2026. Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (eCommerce GMV, bán qua kênh trực tuyến) ước đạt con số 56 tỉ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021.

Số danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến đã tăng 50%, số gian hàng online được mua cũng tăng 40%, kéo theo mức tăng 1,5 lần tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên cả nước so với năm 2020. Mức mua sắm online cho từng nhóm hàng cũng tăng gần gấp đôi, đặc biệt nhóm hàng chăm sóc cá nhân và làm đẹp đạt hiệu quả thâm nhập thị trường trực tuyến gấp 3 lần.   

Thanh toán sử dụng tiền mặt bị thu hẹp

Đại dịch dẫn tới sự chuyển đổi mang tính mô hình trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Khi phải đưa ra quyết định mua hàng, các sàn thương mại điện tử và nền tảng mua sắm trên mạng xã hội là những kênh chủ chốt, với thị phần chi tiêu tương ứng đạt 33% và 19%.  

Lần đầu tiên, trong năm 2021 này, việc thanh toán sử dụng tiền mặt thu hẹp đáng kể, với sự sụt giảm từ mức 60% năm 2020 chỉ còn 42% trong năm 2021 này. Các hình thức hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo ra sức hút mạnh mẽ, như thanh toán qua ví điện tử lên đến 82%, tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%. Tính an toàn, riêng tư và mức phí dịch vụ là 3 mối quan tâm chính của người tiêu dùng Việt Nam khi cân nhắc các phương thức thanh toán.

Trong 3 tháng qua, 49% người tiêu dùng tại Việt Nam đã chuyển đổi lựa chọn trang thương mại điện tử dựa trên các cân nhắc về ưu đãi giá (45%), chất lượng sản phẩm (34%) và mức độ sẵn có của hàng hóa (33%).

Trong năm 2021, người tiêu dùng Việt dành nhiều thời gian nhất cho 5 hoạt động và không gian trực tuyến, gồm: Mạng xã hội, nhắn tin, xem video, thương mại điện tử và gửi email.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn