MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trường hợp người dùng sử dụng ứng dụng FacePlay ghép gương mặt vào video phim cổ trang. Ảnh chụp màn hình.

FacePlay: Ứng dụng “cả thèm chóng chán”, phí cao ngất và nỗi lo bảo mật

Thế Lâm LDO | 14/08/2021 12:59

Nhiều người dùng smartphone tại Việt Nam trong những ngày qua “say sưa” với ứng dụng FacePlay cho phép ghép mặt người dùng vào những video, ảnh, và cả ảnh động GIF sẵn có trên app này.

Trò vui “cả thèm chóng chán”

Người viết qua trao đổi với một số người dùng điện thoại sử dụng FacePlay thì được biết, đa phần khách hàng của ứng dụng này là phụ nữ.

Chị Ly, hiện công tác trong ngành viễn thông tại TPHCM, cho biết: “App FacePlay có nhiều hoạt cảnh với trang phục theo nhiều chủ đề khác nhau như cổ trang, sườn xám, rồi nhảy vũ đạo, thanh xuân vườn trường.... Điểm cộng của app là ghép mặt rất chuẩn”.

Cũng theo chị Ly, để trông hình ghép thật nhất người dùng chỉ cần chọn mẫu nhân vật trong video có hình dáng khuôn mặt giống mình, app sẽ ghép nét mắt, mũi, môi từ hình của người dùng vào và tạo ra chuyển động mắt, mũi, môi… cho ra một gương mặt rất giống”.

Đối với chị Ly và nhiều phụ nữ khác, việc sử dụng app FacePlay chủ yếu là vui vui một chút, chế hình ảnh mình với các nhân vật phim, diễn viên, người nổi tiếng trong các đoạn video ngắn, sau đó tải lên Facebook để “khoe” chơi.

Coi chừng bị “phí oan”

Chính sách của app FacePlay hiện cho người dùng thử trong vòng 3 ngày với phiên bản có quảng cáo. Muốn dùng phiên bản chuyên nghiệp (Pro), người dùng phải trả phí 139.000 đồng nhưng tính theo tuần (hoặc 1.059.000 đồng 1 năm). Song chính tâm lý dùng phiên bản trả phí thử trong 1 tuần cho biết cho vui có thể dẫn đến tình trạng người dùng phải trả tiền nhiều hơn.

Đơn giản, FacePlay cũng giống ứng dụng “thay đổi giới tính” hay biến trẻ thành già FaceApp từng rộ lên trước đây, sử dụng năm ba bữa, nửa tháng vui vui một chút nhưng “cả thèm chóng chán”. Song vấn đề là, ngay cả khi người dùng đã chán rồi không chơi nữa nhưng quên hủy mua quyền sử dụng ứng dụng thì nó vẫn tự động trừ phí đều đặn qua kết nối thanh toán trước đó (thanh toán với vớ App Store hay Google Play Store qua các ví điện tử, thẻ tín dụng…). Đây là tình trạng mà người dùng smartphone sử dụng các ứng dụng trả phí rất hay mắc phải. Đến một ngày nào đó phát hiện ra thì khoảng “phí oan” có khi đã lên tới tiền triệu.

Điểm đáng nói nữa là, phí sử dụng được niêm yết trong ứng dụng lại bỏ đi 2 số 0 ở cuối khiến người dùng rất dễ nhầm rằng mức phí sử dụng thấp hơn tới 100 lần. Bên cạnh đó, sau khi quảng cáo lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội thu hút được nhiều người chơi, FacePlay đã có dấu hiệu “làm ăn chụp giật” khi nâng mức phí sử dụng từ 57.000 đồng lên mức cao ngất 139.000 đồng/tuần sử dụng.

Nguy cơ bị dính vào clip “đen”

Chị Linh hiện công tác trong lĩnh vực truyền thông ở Quận 3 (TPHCM) cho biết, chơi trò FacePlay cũng thấy vui vui, nhưng đọc một số bài báo cảnh báo về nguy cơ bị thu thập thông tin cá nhân qua app này nên đã ngừng chơi.

Ứng dụng FacePlay do một công ty phần mềm có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) phát triển. Người dùng bên cạnh việc mặc nhiên phải chia sẻ hình ảnh/nhận diện khuôn mặt cho ứng dụng còn bị thu thập các thông tin về vị trí, định danh, dữ liệu, thông tin cá nhân…

Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất đối với người dùng FacePlay không chỉ là mất tiền, bị thu thập dữ liệu một cách chung chung. Hơn thế, hình ảnh khuôn mặt ghép vào các video hoàn toàn có thể trở thành dữ liệu cho các tác vụ lạm dụng để dàn dựng trong những clip “đen” về tình dục, khiêu dâm… thông qua công nghệ Deepfake, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, tư cách, uy tín của người dùng, đặc biệt là những người nổi tiếng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn