MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

FED tăng lãi suất, số phận nào cho đồng Yên?

Quý An (theo Wall Street Journal) LDO | 09/11/2022 14:13

Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản lo ngại những tác động ảnh hưởng từ trái phiếu Mỹ, bởi đồng Yên có nguy cơ suy yếu.

Nhật Bản đang là một trong những quốc gia nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều nhất. Song gần đây, nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Nhật Bản đang bán trái phiếu Mỹ ngắn hạn, trong nỗ lực kéo giá đồng Yên.

Đồng thời, một số tổ chức đầu tư Nhật Bản cũng đang cố gắng giảm tỉ lệ nắm giữ trái phiếu nước ngoài.

Thực trạng trên là một trong những ví dụ về ảnh hưởng của lạm phát, đang là mối lo của nhiều nền kinh tế trên thế giới, làm giới đầu tư phải thay đổi các kế hoạch hoạt động. Động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa qua đã có tác động đến đồng Yên, khiến các nhà đầu tư Nhật Bản phải nghĩ cách phòng ngừa trước những nguy cơ biến động tiền tệ. Sự thay đổi này có khả năng gây bất ổn trong dòng vốn toàn cầu.

Đồng Yên đang chịu sự ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế Mỹ.

Trước đây, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn mong muốn sở hữu trái phiếu Mỹ. Theo thống kê, Nhật Bản là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ khi nắm giữ kho bạc với giá trị thị trường khoảng 1,2 nghìn tỉ USD vào thời điểm tháng 8.2022.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đến từ xứ sở mặt trời mọc đã đổ hàng trăm tỉ USD vào trái phiếu Mỹ và nhiều nước khác để có lợi nhuận cao hơn trong nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dòng chảy tài chính đó đã thay đổi trong những tháng gần đây và nhiều khả năng sẽ không thay đổi. Brad Setser - thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cựu cố vấn cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nhận định: “Trong tương lai, hoạt động mua mới nào từ Nhật Bản là điều không dám chắc”.

Nhu cầu mua trái phiếu của Nhật Bản giảm đi khi thị trường trái phiếu Mỹ đang trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất lịch sử do ảnh hưởng từ lạm phát kéo dài. Khi giá trái phiếu giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỉ, khiến các khoản vay trở nên đắt đỏ, dẫn đến tình trạng bán tháo cổ phiếu với số lượng lớn.

Cũng theo ông Setser, với biên độ hiện tại, nhiều khả năng các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục bán tháo trái phiếu mạnh mẽ hơn, làm thị trường Mỹ vốn đã lao đao lại càng chồng chất khó khăn.

Vào ngày 22.9, lợi tức trên trái phiếu kì hạn 10 năm của kho bạc Mỹ đã tăng cao thứ hai trong năm, sau khi chính phủ Nhật Bản thông báo đã mua đồng Yên bằng USD từ dự trữ ngoại tệ của nước này. Đây là lần đầu tiên từ những năm 1990, Nhật Bản phải làm vậy.

Kể từ đó, chính phủ Mỹ đã phần nào xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư bằng cách công bố một số dữ liệu nhằm chứng minh rằng mua chứng khoán nước này là cần thiết. Theo các nhà phân tích, động thái đó có nghĩa là Mỹ đã bán trái phiếu ngắn hạn, vì việc bán trái phiếu dài hạn hơn sẽ gây ra nhiều xáo trộn cho thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng trái phiếu mà chính phủ Mỹ bán ra có thể chưa đủ để có tác động lớn đến giá trị trái phiếu. Các nhà đầu tư thì lo ngại rằng họ sẽ phải tiếp tục bán trái phiếu chỉ để giữ giá cho đồng Yên quanh mức thấp nhất so với đồng USD trong 30 năm qua. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng, số lượng trái phiếu ngắn hạn rồi sẽ cũng cạn kiệt.

Một vấn đề nữa được đặt ra, là sự suy yếu của đồng Yên còn do chính sách lãi suất của Hoa Kỳ và Nhật Bản chưa thật sự “sát sườn”.

Trong khi FED đã đưa ra những giải pháp chống lạm phát bằng cách nâng lãi suất ngắn hạn từ gần 0 lên gần 4%, thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn cam kết giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm gần bằng 0. Điều này cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa nền kinh tế hai nước, với lạm phát dao động khoảng 8% ở Mỹ và chỉ 3% ở Nhật Bản.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư Mỹ cũng lo lắng về giả thiết BOJ tăng lãi suất. Đối với nhiều người, các nhà chức trách Nhật Bản đang không thật sự bằng lòng với việc giảm sút của đồng Yên. Bởi lẽ, tiền mất giá sẽ làm tăng giá thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu và các mặt hàng thiết yếu cho gia đình.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda từng nhiều lần cho biết BOJ không có kế hoạch thay đổi chính sách. Song, một số nhà phân tích ở Phố Wall cho rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra trong năm tới, đặc biệt trong trường hợp lạm phát vẫn ở trên mức 2% lâu hơn dự kiến của BOJ, ​​song song với FED tiếp tục gây áp lực lên đồng Yên bằng cách tiếp tục tăng lãi suất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn