MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rau Lá Lành - ngày đầu ra mắt người tiêu dùng, tháng 7.2019

Gần 1.300 hộ nông dân Bình Định sản xuất rau an toàn

Xuân Nhàn LDO | 23/05/2022 14:34

Bình Định - Ngày 23.5, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, tại Bình Định hiện có hơn 1.200 hộ nông dân và 106ha sản xuất các loại rau an toàn.

Dự án Rau an toàn Bình Định triển khai từ tháng 6.2016 trong khuôn khổ Chương trình viện trợ 5 năm, kế thừa, củng cố và mở rộng hợp phần cùng tên thuộc Dự án Sinh kế nông thôn bền vững Bình Định do Chính phủ New Zealand tài trợ.

Dự án triển khai trên địa bàn các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Vĩnh Thạnh, thị xã An Nhơn, trước khi tiếp cận Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, nhắm tới mục tiêu cải thiện sự an toàn, tính bền vững về kinh tế - môi trường cho người trồng rau và an toàn cho giới tiêu dùng. Qua thực tiễn sản xuất tại Bình Định, dự án có tham vọng đề xuất một mô hình hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Lá Lành ở Big C Quy Nhơn

Đến nay, Bình Định có 50 nhóm sản xuất rau an toàn được thành lập với 1.260 hộ nông dân và 106ha rau các loại. Trong 5 năm, dự án đã củng cố, hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn cho 2 Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hiệp (Tuy Phước), Thuận Nghĩa (Tây Sơn), thông qua hỗ trợ đào tạo nhân lực, cải tạo, nâng cấp nhà sơ chế, hỗ trợ xe vận chuyển, mở rộng hệ thống cung ứng ở các chợ trung tâm. Tại Thuận Nghĩa, Phước Hiệp, mỗi năm, sản lượng rau an toàn được tiêu thụ trên thị trường tăng từ 10 – 20%.

Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Nghĩa, nơi có 9 nhóm cùng sở thích với 224 hộ, 19,4ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, cho biết: Việc theo đuổi dự án không chỉ giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng canh tác nơi người nông dân mà còn góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng. “Người tiêu dùng nay đã khó tính hơn khi chọn mua rau, củ, quả. Họ có xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng”, ông Cầu nói.

Thành công nổi bật của dự án là sự ra đời và khẳng định vị thế chắc chắn của thương hiệu rau Lá Lành. Chỉ riêng năm 2021, đã có hơn 300 tấn rau Lá Lành cung ứng ra thị trường bởi Phước Hiệp, Thuận Nghĩa và các nhóm cùng sở thích ở An Nhơn, Vĩnh Sơn. Rau Lá Lành chinh phục thành công nhiều kênh phân phối đẳng cấp, khó tính thông qua các hợp đồng tiêu thụ dài hạn với chuỗi siêu thị CoopMart, CoopFood, Big C, VinMart, Mega Maket, quần thể du lịch FLC Nhơn Lý, chưa kể hàng chục quầy hàng bề thế tại các chợ đầu mối, trung tâm. Nhờ nâng cao giá trị sản phẩm và kiên trì thuyết phục thị trường, thu nhập từ người nông dân tham gia dự án đảm bảo cao hơn lối canh tác truyền thống từ 10 – 15%.

Năm 2021, với hơn 300 tấn cung ứng ra thị trường, rau an toàn Bình Định đã trở nên quen thuộc trên quầy hàng của các siêu thị khó tính: CoopMart, CoopFood, Big C, VinMart, Mega Maket...

Cho rằng không ở đâu, sự hỗ trợ lại bền bỉ và dồi dào như với rau an toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định, TS. Nguyễn Thị Tố Trân đánh giá: “Các nội dung chính của dự án đều thực hiện đúng mục tiêu đề ra, từ đào tạo nhân lực thực hành, quản lý; hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng; quản lý dịch hại; an toàn rau tươi; xây dựng, định vị, quảng bá, khuếch trương thương hiệu đến tiến độ triển khai giữa bối cảnh đại dịch hoành hành”. Bà Trân ví thành quả như chiếc cần câu trao tay nông dân. Nhiệm vụ còn lại, khi dự án kết thúc là tiếp tục phát huy tác dụng chiếc cần câu ấy và nhân rộng nó ra. “Hãy coi kết quả đạt được là hạt nhân, là mầm mống, sự khởi đầu. Dư địa còn lớn, con đường còn xa; thay đổi thói quen sản xuất, tiêu dùng theo hướng lành mạnh, an toàn, có địa chỉ, có trách nhiệm là yêu cầu thường trực, lâu dài của cả hệ thống chúng ta”, bà Trân phát biểu trước cử tọa là nông dân, nhân viên kỹ thuật, cán bộ quản lý nông nghiệp địa phương.                   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn