MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình khởi nghiệp xanh của bà Hồng đã giúp hơn 140 phụ nữ nghèo có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Ảnh: Anh Đức

Gần 60 tuổi vẫn quyết tâm cắm sổ đỏ để khởi nghiệp, biến rác thành tiền

Phương Anh LDO | 24/11/2023 21:21

Khởi nghiệp với mô hình kinh tế tuần hoàn ở độ tuổi U60, bà Trịnh Thị Hồng có sáng kiến biến rác thải thành các chất tẩy rửa hữu cơ, góp phần phát triển kinh tế xanh, đồng thời tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo.

Vào năm 2011, một sự cố xe rác làm ứ đọng, bốc mùi khắp phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng) 4 ngày liên tiếp. Bà Trịnh Thị Hồng - cư dân sinh sống tại phường Hoà Minh - đã suy nghĩ đến việc làm sao để chỗ rác kia biến được thành tiền. Ngoài việc xử lí đống rác thải, bà cũng mong muốn giúp được người dân xung quanh có công việc để trang trải cuộc sống thường ngày.

"Đầu tiên khi đem rác về nhà nghiên cứu, ai cũng bảo tôi điên, ngay cả ông xã. Tôi đã cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Đà Nẵng chia sẻ những câu chuyện mà bản thân đã làm được tới mọi người nhưng rất khó lấy niềm tin. Ngoài ra, tôi không có chuyên ngành nên chẳng làm được gì cả" - bà Hồng chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động.

Đến năm 2012, nhờ những đóng góp tích cực trong công tác cộng đồng nên bà Hồng được một tổ chức phi chính phủ mời sang Philippines chia sẻ kinh nghiệm. Chính từ chuyến đi này, bà Hồng được nghe chuyên gia nước ngoài nói về mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành dung dịch lau nhà. Háo hức đem kiến thức được học về quê nhà, bà mất tới 4 năm thử nghiệm mới ra thành phẩm cuối cùng.

Trong quá trình đó, nhờ một người bạn cùng hợp tác chia sẻ suốt 6 năm từ 2010 nên bà Hồng đã có thể sản xuất đủ sản phẩm để bán cho người dân. "Tôi cũng đã từng năn nỉ chồng con cầm sổ đỏ để lấy 500 triệu đồng, trả cho người bạn này" - người phụ nữ U60 vừa cười vừa kể lại quá trình khởi nghiệp.

Sau khi thành công trong việc thử nghiệm, bà Hồng đã cùng vài người bạn khởi nghiệp một nền kinh tế tuần toàn. Đồ hoạ: Phương Anh

Với mong muốn giúp đỡ cộng đồng, bà Hồng đã mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân địa phương sau khi nghiên cứu thành công dòng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường này. Nguồn chế phẩm thu từ các hộ gia đình sẽ được bà Hồng tiến hành xử lý khử độc, khử trùng, nâng độ pH theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tạo bọt, tạo đặc, đóng gói và xuất xưởng.

Một trong những sản phẩm của bà là nước rửa chén làm từ vỏ rau và trái cây. Bên cạnh bảo vệ môi trường, các sản phẩm này còn giúp người dân tiết kiệm được chi phí với giá thành rẻ hơn từ 1,5 - 9,5 lần so với các chế phẩm cùng loại trên thị trường.

"Sau khi thành công trong việc thử nghiệm, tôi đã cùng vài người bạn khởi nghiệp một nền kinh tế tuần toàn. Tôi nghĩ không xả rác ra môi trường bất cứ thứ gì thì đó mới là kinh tế, mới là phát triển" - bà Hồng chia sẻ.

Ngoài việc đóng góp cho môi trường, doanh nghiệp cũng giúp cộng đồng dân cư như hơn 140 người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có công việc tại nhà với thu nhập 3 - 7 triệu đồng/tháng.

Bà Trịnh Thị Hồng hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP. Đà Nẵng. Đồng thời bà cũng là cố vấn cho nhiều mô hình khởi nghiệp trên con đường hình thành và phát triển. Ở tuổi U60, bà vẫn tiếp tục hành trình khởi nghiệp đầy nhiệt huyết và phát triển thêm nhiều mục tiêu sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn