MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dưa lưới được khắc chữ tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Phương Anh

Gần nửa triệu đồng một cặp dưa lưới khắc chữ vẫn không đủ để bán

PHƯƠNG ANH LDO | 07/02/2024 14:20

Dịp Tết Nguyên đán 2024 này, anh Nguyễn Hoàng Duy ở ấp Kiết Bình, xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) làm ra 600 cặp dưa lưới khắc chữ để bán. Mặc dù giá khá cao so với các giống dưa thường nhưng hiện vẫn không đủ số lượng để cung cấp ra thị trường.

Nâng giá trị dưa lưới

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Hoàng Duy vào đúng thời điểm anh đang vào hộp dưa lưới khắc chữ giao cho khách.

Anh Duy cho biết, dịp Tết năm nay anh cung ứng ra thị trường 600 cặp dưa lưới khắc chữ "Tài", "Lộc", "Vạn Sự", "Vinh Hoa", "Phú Quý", "Phát Tài"... Mỗi trái có trọng lượng từ 2kg. Với 1 cặp (2 trái) sẽ có giá dao động từ 350.000 - 400.000 đồng (tùy vào số lượng chữ khắc trên trái), lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

“Nếu so với dưa lưới thường thì dưa lưới khắc chữ có giá trị cao gấp 2 lần. Mặc dù giá khá cao nhưng hiện nay tất cả số lượng dưa này đều đã có người mua, hiện vẫn còn nhiều người đặt hàng nhưng không còn để bán”, anh Duy phấn khởi nói.

Chia sẻ về kỹ thuật khắc chữ trên quả dưa, anh Duy cho biết, thời điểm thích hợp nhất để khắc là dưa đạt trọng lượng từ 1,6 - 1,7kg vì lúc này vỏ có độ dày vừa phải, nhanh lành vết khắc, còn sau đó vỏ dày, khó khắc và chữ không đẹp.

Anh Nguyễn Hoàng Duy (tỉnh Sóc Trăng) đang đóng thùng dưa lưới khắc chữ để giao cho khách hàng. Ảnh: Phương Anh

“Dưa lưới vỏ mỏng lắm. Khi khắc chữ nếu dùng dao khắc quá sâu thì trái dưa lưới lớn lên sẽ bị hư và thối trái. Vì vậy phải tỉ mỉ cạo lớp vỏ mỏng của trái theo hình dáng các chữ Tài, Phúc, Lộc, Thọ... Khi trái lớn tới đâu thì các chữ này sẽ in hằn nổi lên bắt mắt”, anh Duy thông tin thêm.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở thành phố Sóc Trăng cho biết, chị mua 4 cặp dưa lưới khắc chữ của anh Nguyễn Hoàng Duy để trưng Tết và biếu họ hàng. Dưa lưới được khắc chữ tỉ mỉ, tinh xảo nhìn rất đẹp mắt.

Ngoài dưa lưới khắc chữ, anh Duy còn cung cấp ra thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 gần 8 tấn dưa lưới có giá từ 45.000 - 48.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 135 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Thu nhập gần vài trăm triệu mỗi năm

Anh Duy cho biết, mô hình dưa lưới được thực hiện từ năm 2020, ban đầu chỉ trồng khoảng 1.300m2 sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao nên bắt đầu nhân rộng. Đến nay diện tích đã lên đến 3.300m2 (3 nhà màng, mật độ trồng là 2.400 gốc/1.000m2).

Mỗi năm, cho thu hoạch từ 45 - 50 tấn trái, giá dao động từ 40.000 - 45.000 đồng, thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm. Riêng năm 2023 là 1,8 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 700 - 800 triệu đồng.

Anh Nguyễn Hoàng Duy (tỉnh Sóc Trăng) bên vườn dưa lưới cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm. Ảnh: Phương Anh

Anh Duy chia sẻ, với vốn kiến thức học được từ ngành nông nghiệp, anh áp dụng vào sản xuất cộng với chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, canh tác theo hướng hữu cơ nên dưa lưới phát triển rất tốt, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Nhờ vậy mà số lượng dưa luôn được có thị trường ổn định, hiện 80% sản lượng là thị phần ở tỉnh Sóc Trăng, số còn lại được đưa đi các địa phương khác.

“Hiện với 3 nhà màng, tôi trồng cho ra trái xen kẽ để có dưa cung cấp cho thị trường quanh năm. Với cách làm này, tháng nào cũng có dưa lưới cung cấp ra thị trường với sản lượng khoảng 4,5 tấn”, anh Duy cho biết thêm.

Hiện dưa lưới trồng trong nhà màng của anh Duy cũng đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn