MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gần Tết công ty trả lương chậm: 5 cách người lao động nên biết để xử lý

Minh Huy (T/H) LDO | 09/12/2021 10:23

Nhận lương đúng thời hạn là điều người lao động quan tâm, đặc biệt khi gần Tết, cần nhiều khoản chi tiêu.

Nếu công ty chậm lương, đặc biệt là sắp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, người lao động có thể tham khảo 5 cách xử lý dưới đây:

Căn cứ Khoản 4 Điều 97 Bộ Luật Lao động năm 2019, nếu công ty chậm lương từ 15 ngày trở lên thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Nếu công ty trả lương không đủ, không đúng thời hạn, người lao động có thể áp dụng các cách dưới đây.

Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương

Đây là cách để cả người lao động, công ty giải quyết quyền lợi nhanh nhất.

Nhận lương đúng thời hạn là điều người lao động quan tâm, đặc biệt khi gần Tết, cần nhiều khoản chi tiêu. Ảnh: LĐO

Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Căn cứ Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động khiếu nại vấn đề trên tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu công ty vẫn không trả lương dù đã gửi đơn lên ban lãnh đạo trước đó.

Nếu khiếu nại không được giải quyết đúng thời hạn hoặc người lao động không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 24).

Hòa giải thông qua hòa giải viên lao động

Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Khoản 1 Điều 190 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 6 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Trường hợp hòa giải không thành, công ty không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động

Theo Điều 189 Bộ Luật lao động năm 2019, nếu không giải quyết được bằng cách trên thì đưa ra Hội đồng trọng tài lao động.

Thời gian là 9 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.

Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết. 

Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Khởi kiện tại Tòa án

Căn cứ Khoản 3 Điều 190 Bộ Luật lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 1 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn