MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gánh nặng nợ Vietravel và cái bắt tay với hai đại gia

Kim Ngân LDO | 30/12/2022 10:33

Những ngày cuối cùng của năm 2022, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel (mã chứng khoán: VTR) được Ủy ban Chứng khoán (UBCK) thông báo, cơ quan này đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Sự gia nhập của Hưng Thịnh

Phương án phát hành hoán đổi nợ này của VTR đã được hội đồng quản trị công ty này đưa ra và được đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của doanh nghiệp thông qua hồi tháng 4.2022.

Theo phương án này, VTR sẽ phát hành 6 triệu cổ phiếu dùng để hoán đổi nợ đã vay với Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh theo hợp đồng vay nợ ký ngày 26.11.2021, để bổ sung vốn lưu động. Tổng giá trị khoản nợ hoán đổi là 168 tỉ đồng và tỉ lệ nợ hoán đổi là 2,8:1 (có nghĩa là 28.000 đồng nợ của Hưng Thịnh sẽ được đổi thành 1 cổ phiếu VTR phát hành thêm).

Phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Theo thuyết minh tại báo cáo tài chính gần nhất của VTR, khoản nợ vay tại Hưng Thịnh có thời hạn 6 tháng (có thể gia hạn thêm 1 tháng), lãi suất 11,5% năm, tài sản đảm bảo cũng chính là 6 triệu cổ phiếu được VTR niêm yết trên sàn UPCoM.

Đây là khoản vay ngắn hạn lớn thứ hai của VTR, sau khoản vay hơn 190,7 tỉ đồng tại VietinBank, trong tổng số hơn 634,2 tỉ đồng nợ ngắn hạn của VTR tính đến 30.9.2022.

Theo điều kiện hoán đổi, khoản vay trên sẽ được hoán đổi thành cổ phần phổ thông của VTR nhưng không thấp hơn 6 triệu cổ phần được hoán đổi trên gần 29,3 triệu tổng số cổ phần của VTR sau khi phát hành thêm, tương đương 20,48% vốn điều lệ của VTR sau khi pha loãng (điều kiện hạn chế chuyển nhượng 1 năm và việc hoán đổi hay không do Hưng Thịnh quyết định).

Theo công văn ngày 11.6.2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, bên Hưng Thịnh đã chấp thuận về nguyên tắc phương án hoán đổi VTR đưa ra. Như vậy sau khi hoán đổi thành công, Hưng Thịnh sẽ trở thành cổ đông lớn của VTR.

Gánh nặng nợ và “cái bắt tay” với Vinacapital

Du lịch hồi sinh góp phần cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: Hữu Long
Bên cạnh thương vụ phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ với Hưng Thịnh, VTR đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn là 12.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động được 72 tỉ đồng để chi trả nợ ngắn hạn. Trong quý III và IV/2022, VTR sẽ phải thanh toán 30 tỉ đồng tiền lương cho nhân viên và hơn 72 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn cho Vietcombank - Chi nhánh TPHCM.

Bên cạnh hoạt động phát hành thêm, trong thời gian từ ngày 16.12.2022 đến 13.1.2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Vietravel sẽ thực hiện bán ra hơn 1,78 triệu cổ phiếu VTR. Tập đoàn Vietravel là cổ đông lớn nhất của VTR, nắm giữ gần 7,04 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ sở hữu 40,68%).

Vào ngày 23.12 vừa qua, Tập đoàn Vietravel đã hoàn tất chuyển nhượng 1,78 triệu cổ phiếu VTR nói trên cho Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Vinacapital với giá 24.000 đồng/cổ phiếu để quỹ ngoại đình đám sở hữu tỉ lệ 10,3% vốn tại VTR và trở thành cổ đông lớn của VTR.

Liên quan đến tài chính của VTR, báo cáo mới nhất được kiểm toán của VTR (báo cáo tài chính bán niên 2022) cho thấy, doanh thu 6 tháng đầu năm của VTR ghi nhận 1.202 tỉ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhưng sau khi trừ giá vốn và các chi phí, VTR lỗ hơn 114 tỉ đồng.

Đến ngày 30.6.2022, vốn chủ sở hữu của VTR âm 104 tỉ đồng, lỗ lũy kế gần 300 tỉ đồng. Đến thời điểm này, tổng tài sản của VTR là hơn 2.234 tỉ đồng, trong đó tài sản nợ là gần 2.339 tỉ đồng. Do âm vốn chủ sở hữu, hơn 17,29 triệu cổ phiếu VTR đăng ký giao dịch trên UPCoM đã bị hạn chế giao dịch bắt đầu từ 13.9.

Trong quý III/2022, nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, VTR ghi nhận lợi nhuận sau thuế mảng kinh doanh du lịch tăng vọt lên gần 51,5 tỉ đồng, nâng lợi nhuận sau thuế hơn nhất tăng 103,64% so với cùng kỳ năm trước lên gần 7 tỉ đồng.

Dù vậy, bức tranh tài chính của Vietravel vẫn cho thấy doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn. Thời điểm cuối quý III/2022, VTR còn nợ tổng cộng 2.388 tỉ đồng, trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn 641 tỉ đồng và nợ thuê tài chính dài hạn 599 tỉ đồng. Cả lỗ luỹ kế và mức âm vốn chủ sở hữu đã giảm nhẹ về lần lượt là gần 294 tỉ đồng và 97,5 tỉ đồng. Đến 30.9, lượng tiền mặt của VTR giảm một nửa còn 55 tỉ đồng.

Đầu tháng 12.2022, VTR công bố mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu VTRH2123001 trị giá 500 tỉ đồng, phát hành vào ngày 21.12.2021 với kỳ hạn 24 tháng. Sau khi hoàn tất mua lại lô trái phiếu này, nợ vay của Vietravel giảm mạnh so với số liệu tại ngày 30.9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn