MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo Việt Nam đang dẫn đầu trong nhóm nước xuất khẩu gạo, vượt qua các "ông lớn" Thái Lan, Myanmar, Pakistan. Ảnh: Vũ Long

Gạo Việt Nam sẽ được đặt vào vị trí nổi bật nhất ở các điểm bán của siêu thị toàn cầu

Cường Ngô LDO | 11/07/2023 09:35

Gạo Việt Nam ngày càng được thị trường EU ưa chuộng khi kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường khu vực này tăng trưởng đến 3 con số.

Gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị trường

Năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời được chọn là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Âu, hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt những lô gạo tiếp theo.

Hai năm sau, doanh nghiệp đưa sản phẩm “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ hệ thống đại siêu thị Pháp. Doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Doanh nghiệp nhận các đơn hàng xuất khẩu lên tới 400.000 tấn gạo sang thị trường EU trong năm 2023. Hiện gạo được bán với giá 12,9 EUR/5kg, tương đương ngưỡng 2.000 USD/tấn.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời khẳng định: “đây là tiền đề để Tập đoàn đem thương hiệu gạo Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới. “Một ngày không xa, gạo “Cơm Việt Nam Rice” và gạo thương hiệu Việt Nam sẽ được đặt vào vị trí nổi bật nhất tại những điểm bán thuộc các hệ thống siêu thị toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của lúa gạo và nông sản Việt trên toàn thế giới”.

Từ tháng 6.2021, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An mở Văn phòng đại diện tại Hamburg (Đức) để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu dễ dàng tiếp cận sản phẩm mang thương hiệu gạo Trung An.

Năm 2022, doanh thu xuất khẩu gạo đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 52% doanh thu xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng gạo của công ty này sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu có giá trị gia tăng cao.

Công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…

Xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU luôn tăng trưởng ở mức 3 con số

Ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xuất khẩu gạo sang EU 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn và 2,3 tỉ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU luôn tăng trưởng ở mức 3 con số, điển hình, xuất khẩu gạo sang Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308% trong những tháng đầu năm 2023.

Theo ông Hoà, nhờ những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định EVFTA, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao sang EU được đánh giá cao và cho các kết quả tích cực. Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Theo Bộ Công thương, xuất gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khu vực khác, nhưng giá trị gia tăng lại rất cao do 27 nước EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng.

Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA và các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn